Lien minh chau Au gia han lenh trung phat kinh te doi voi Nga hinh anh 1Người dân xếp hàng bên ngoài chi nhánh Ngân hàng Sberbank của Nga tại Prague, Cộng hòa Séc năm 2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/1 đã quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng (tới ngày 31/7/2023).

EU ban bố lệnh trừng phạt đối với Nga lần đầu tiên vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Các lệnh trừng phạt này được gia hạn thường xuyên trong 8 năm qua và được mở rộng đáng kể vào tháng 2/2022, liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Tính đến nay, EU đã áp đặt 9 vòng trừng phạt đối với Nga.

Gói trừng phạt về kinh tế của EU nhằm vào Nga bao gồm một loạt biện pháp như hạn chế đối với thương mại, tài chính, công nghệ và hàng hóa lưỡng dụng, công nghiệp, vận tải và hàng xa xỉ. Ngoài ra còn có lệnh cấm nhập khẩu hoặc vận chuyển dầu thô bằng đường biển và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga sang EU, loại bỏ các ngân hàng của Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) và đình chỉ hoạt động phát sóng cũng như giấy phép của một số cơ quan truyền thông do Chính phủ Nga tài trợ.

Bên cạnh đó, EU cũng đã áp dụng nhiều biện pháp như hạn chế về quan hệ kinh tế với bán đảo Crimea, thành phố Sevastopol..., đóng băng tài sản và hạn chế đi lại đối với nhiều cá nhân và tổ chức, cùng các biện pháp ngoại giao khác.

[Hungary sẽ phủ quyết lệnh trừng phạt mới của EU nhằm vào khí đốt Nga]

Liên quan đến các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 27/1 tuyên bố nước này sẽ không cho phép mở rộng các biện pháp trừng phạt của EU đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga.

 

Phát biểu trên đài phát thanh Kossuth, ông Orban nói: “Chúng tôi sẽ không cho phép các biện pháp trừng phạt làm gia tăng lạm phát của Hungary. Điều quan trọng nhất ở đây là giá năng lượng. Do đó, chúng tôi sẽ không cho phép kế hoạch mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân."

Thủ tướng Orban lưu ý rằng 97% người dân nước này được hỏi ý kiến đều phản đối việc kéo dài các lệnh trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân của Nga.

Hungary đang vận hành nhà máy điện hạt nhân Paks, được xây dựng theo thiết kế của Liên Xô cũ. Nhà máy này có 4 lò phản ứng loại VVER-440 công suất 2000 MW. Theo nhiều nguồn khác nhau, cơ sở này sản xuất hơn một nửa tổng lượng điện của Hungary./.

Hương Giang-Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)