Lịch sử gần 30 năm quy định xử phạt người uống rượu bia lái xe

17:42 - 07/04/2024

Lâu nay, nhắc đến quy định xử phạt người uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, người ta thường nhớ đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia hay Nghị định 100 (đều ban hành năm 2019), nhưng thực tế quy định này đã có từ năm 1995.

Lịch sử gần 30 năm quy định xử phạt người uống rượu bia lái xe- Ảnh 1.

Cụ thể hóa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định 100/2019 với những chế tài nghiêm khắc hơn đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng đã sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện. Ảnh minh họa

Từ Nghị định đến Luật

Trước Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2001 được Quốc hội ban hành (Luật số 26/2001/QH10), theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngày 29/5/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36 về bảo đảm ATGT đường bộ và trật tự ATGT đô thị (có hiệu lực kể từ ngày 1/8/1995). Kèm nghị định này là "Điều lệ trật tự ATGT đường bộ và trật tự ATGT đô thị", trong đó có quy định: Nghiêm cấm người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn, rượu, bia vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở và các chất kích thích khác. Quy định này sau đó tiếp tục được giữ nguyên khi Chính phủ ban hành Nghị định 75/1998 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 36/1995 và Nghị định 36/2001 thay thế cho hai nghị định trước đó.

Các nghị định này chính là "khởi thủy", tiền đề để ngày 29/6/2001, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ký ban hành Luật GTĐB (Luật số 26/2001/QH10), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2002. Đây là Luật đầu tiên về GTĐB, được đúc kết sau một quá trình thực hiện các Pháp lệnh, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật về GTĐB và các lĩnh vực có liên quan. Luật GTĐB 2001 có tính xã hội sâu rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Vì vậy, ngay sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện. Tại Luật GTĐB 2001, quy định về mức độ nồng độ cồn đối với người lái xe tiếp tục được giữ nguyên như tại các nghị định trước đó, tức là nghiêm cấm người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Chỉ đến khi Quốc hội khóa XII ban hành Luật GTĐB 2008 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009), quy định về mức độ nồng độ cồn đối với người lái xe được tách riêng đối với người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Theo đó: "Nghiêm cấm người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" và "Nghiêm cấm người điều khiển mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở".

Đặc biệt, ngày 14/6/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật số 44/2019/QH14) với những quy định nghiêm khắc hơn. Trong đó, cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (giới hạn nồng độ cồn quy định bằng 0).

Tiếp tục tinh thần này, dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và đang hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua ở kỳ họp tới) cũng quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Lịch sử gần 30 năm quy định xử phạt người uống rượu bia lái xe- Ảnh 2.

Đưa chế tài vào cuộc sống

Cùng với việc ban hành các nghị định về bảo đảm trật tự ATGT (giai đoạn 1995 - 1998), Luật GTĐB 2001 và 2008, Chính phủ đã ban hành các nghị định với những chế tài theo hướng ngày càng răn đe hơn đối với hành vi đã sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, đáng kể nhất là Nghị định 100/2019 đã hiện thực hóa quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi cấm người đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện. Đồng thời, không chỉ tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn (vi phạm mức 3 phạt tới 40 triệu đồng) mà lần đầu tiên có chế tài xử phạt người uống rượu, bia mà còn lái xe tham gia giao thông.

Theo ông Khuất Việt Hùng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, sau 4 năm thực hiện quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn khi lái xe, đa số người dân đều nhất trí, ủng hộ. Thực tế cho thấy, TNGT đến nay đã giảm rất sâu. Ngoài ra, các vụ việc tiêu cực do rượu, bia gây ra như đánh nhau, bạo lực gia đình cũng giảm đáng kể. Đồng thời, trong xã hội cũng đang dần hình thành văn hóa đã uống rượu, bia không lái xe, người dân đã biết tự điều chỉnh trong việc sử dụng rượu, bia sao cho phù hợp. Điều đó cho thấy, nhận thức và hành vi tham gia giao thông của người dân đã thay đổi theo hướng tích cực để bảo vệ an toàn cho chính mình và người tham gia giao thông.

Mới đây, trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị về dự thảo báo cáo, giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, Bộ Công an cũng đã có những lý giải về hành vi cấm "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Theo Bộ Công an, điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay thật sự rất cần quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe. Ngoài ra, theo Bộ Công an, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường, cố ý vi phạm, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Việc này có thể "cướp đi sinh mạng của nhiều người", do đó pháp luật cần nghiêm khắc.

Nguồn: Lịch sử quy định nồng độ cồn khi lái xe (tapchigiaothong.vn)