Lễ Vu Lan – mùa của hiếu hạnh
17:58 - 30/08/2023
Như thông lệ, cứ mỗi dịp rằm tháng 7 âm lịch hằng năm, các hoạt động về văn hóa, tâm linh lại diễn ra trên khắp cả nước. Đây là lúc gợi nhắc lại một trong những đạo lý, nhân cách lớn nhất của mỗi con người là đạo hiếu.
Tối 29/8 (ngày 14 tháng 7 âm lịch), tại Chùa Quỳnh Lôi - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (Hai Bà Trưng, Hà Nội), rất đông người dân đã tới dự Đại lễ Vu lan báo hiếu 2023.
Ông Phạm Đình Hoàn (cán bộ về hưu) cho biết, năm nào cũng vậy, gia đình ông đều lễ tạ tại ngôi chùa này. Theo ông Hoàn, Lễ Vu Lan là dịp để nhớ về cội nguồn và cầu mong sức khỏe đến với gia đình.
Từ nhỏ, được cha mẹ dạy bề hiếu hạnh, vậy nên, năm nào vào lễ Vu Lan nếu có thời gian thì bà Trần Thị Bích Ngà sẽ tới chùa để cầu mong sức khỏe, bình an với gia đình, bản thân.
Cũng như ông Hoàn và anh Hùng, hàng triệu người Việt Nam đều bày tỏ lòng hiếu kính, biết ơn hướng về các bậc sinh thành, tiên tổ của mình như một truyền thống nhân văn và tốt đẹp.
Được coi là một trong những lễ lớn nhất của Phật Giáo, Lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức từ ngày 1/7 đến hết ngày 15/7 âm lịch hằng năm. Trong dịp này, người Việt thường tới chùa cầu bình an cho mẹ cha, hoặc tự tay chuẩn bị một mâm cơm dâng lên ông bà, tổ tiên.
Tại một số nơi, các gia đình cũng kết hợp phóng sinh, thả đèn hoa đăng, đèn trời… như một cách gửi lời nguyện ước an lành tới đấng sinh thành.Bông hồng cài áo chính là nghi thức mang tính chất tôn vinh cao nhất. Trong nghi thức đó, các Phật tử với 3 giỏ hoa hồng (màu đỏ, màu trắng và màu vàng) sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ. Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo với ý nghĩa tự hào vì đang còn mẹ.
Còn những người không còn mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng với ý nghĩa tưởng nhớ khôn nguôi về công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Hoa hồng màu vàng được Phật tử cài lên ngực cho chư tăng khi tham dự lễ Vu Lan, tượng trưng cho sự tiếp nối, mừng ngày hoan hỷ.
Nuôi dưỡng hiếu hạnh
Có lẽ, không phải đợi đến Vu Lan mà mỗi chúng ta mới thể hiện sự hiếu hạnh mà bình thường trong cuộc sống hàng ngày phải sống cho tốt, làm tròn bổn phận của người con. Đừng đợi tới mùa Vu Lan mới làm cho có, vì như vậy không phải là hiếu hạnh, hiếu hạnh phải thường xuyên nuôi dưỡng thì mới thật sự thương cha, thương mẹ. Báo hiếu là lúc cha mẹ còn sống và hướng cha mẹ vào con đường tốt, tạo phước lành cho cha mẹ mới gọi là báo hiếu.
Đối với người Việt Nam, lòng hiếu thảo vốn in sâu đậm trong tâm hồn, nên tinh thần vu lan báo hiếu cũng như đạo Phật rất dễ hòa nhập vào phong tục tập quán của người dân.
Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người con Việt.
Minh chứng là ngày nay, lễ Vu Lan còn mang tính xã hội rộng rãi trong cuộc sống của người Việt, là mùa không chỉ báo ân, báo hiếu đối với cha mẹ mà còn là mùa yêu thương đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
Mùa Vu Lan hiếu hạnh nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, công ơn giáo dưỡng của thầy Tổ và nhất là công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây cũng là dịp để bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, nhớ tới ân đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.