LỄ HỘI HOA - KIỂNG CHỢ LÁCH – "MỞ BÀI" CHO "BÀI VĂN" MANG ĐỀ TÀI PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI XANH, BỀN VỮNG CỦA HUYỆN CHỢ LÁCHLỄ HỘI HOA - KIỂNG CHỢ LÁCH – "MỞ BÀI" CHO "BÀI VĂN" MANG ĐỀ TÀI PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI XANH, BỀN VỮNG CỦA HUYỆN CHỢ LÁCH
15:59 - 20/12/2024
Lễ hội hoa - kiểng Chợ Lách lần thứ I diễn ra từ ngày 08/01 - 12/01/2025 (nhằm ngày 09 – 13/12 năm Giáp Thìn) được tổ chức trải dài trên 4 xã nằm trong Đề án Làng văn hoá du lịch của huyện, với nhiều nội dung đặc sắc.
Quy tụ hơn 100 gian hàng hoa kiểng, cây giống, dịch vụ cung ứng các kỹ thuật, công nghệ, vật tư nông nghiệp liên quan, cùng với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, ẩm thực miệt vườn, sông nước dự kiến thu hút hơn 21.000 khách mời; và khách tham quan các không gian văn hoá như: không gian sinh vật cảnh quy tụ hàng ngàn nghệ nhân cây kiểng, bonsai; không gian đờn ca tài tử; không gian nghệ nhân đọc sách; không gian kết nối thương mại điện tử ngành hàng hoa kiểng, cây giống; phiên chợ livestream hoa – kiểng…; Bên cạnh đó, còn diễn ra hoạt động xác lập kỷ lục Guiness - tuyến đường hoa kiểng do cộng đồng tạo tác dài 15km – dài nhất Việt Nam, diễu hành xe hoa, hội thi Bonsai – Mai vàng, chọi gà nghệ thuật với hơn 150 “chiến kê” trên cả nước, tham gia tranh cúp “Hoàng kê Chợ Lách”.
Tại Hội nghị thông tin báo chí về Lễ hội hoa – kiểng Chợ Lách năm 2025, trả lời báo chí, ông Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội đã khẳng định "Lễ hội hoa kiểng Chợ Lách năm 2025 là "mở bài" cho "bài văn" mang đề tài du lịch, mà kết luận của nó là phát triển du lịch sinh thái xanh, bền vững của Chợ Lách trong thời gian tới".
Huyện Chợ Lách nằm trên cù lao Minh, cách trung tâm thành phố Bến Tre hơn 40 km. Với hệ thống kênh rạch chằn chịt đan xen và khí hậu ôn hòa, huyện Chợ Lách là một trong những nơi sản xuất cây giống, hoa kiểng lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long. Chính các giá trị tài nguyên du lịch đặc trưng sẵn có đó, Chợ Lách có nhiều thuận lợi để xây dựng sản phẩm và phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái xanh, bền vững.
Đề án làng văn hoá du lịch huyện Chợ Lách được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre phê duyệt tại Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 30/3/2024. Đây là công trình trọng điểm được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của huyện, đồng thời cũng là công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu xây dựng Làng văn hóa du lịch trở thành một trung tâm du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí mang tầm quốc gia trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Chợ Lách; bảo tồn và phát huy di sản tự nhiên và văn hóa; quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Huyện Chợ Lách xây dựng Làng Văn hóa du lịch (Với vòng kết nối của Làng là 1490,88 ha) trên nền tảng các thành tựu đạt được trong xây dựng huyện Nông thôn mới, xác định lợi thế của Chợ Lách là địa bàn có nhiều giá trị tài nguyên du lịch tiêu biểu nổi bật hàng đầu trong tỉnh, với điểm nhấn là “Vương quốc” hoa kiểng, vùng đất cây lành trái ngọt, vùng sản xuất cây giống lớn nhất nước và xác định những loại hình du lịch thế mạnh trong đó có du lịch gắn với làng nghề truyền thống sản xuất cây giống, hoa kiểng; du lịch trải nghiệm,…
Du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại những vườn hoa Tết
Mặc dù thời gian qua, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch có chuyển biến, các điểm kinh doanh du lịch có nhiều cố gắng đầu tư và quan tâm đến chất lượng sản phâm du lịch, chất lượng phục vụ du lịch từng bước được nâng lên. Hoạt động xúc tiến, tuyên truyền , quảng bá du lịch được quan tâm đổi mới về hình thức và nội dung, lượng khách du lịch tăng theo hàng năm,… Tuy nhiên, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện còn mang tính tự phát, người dân tự đầu tư các dịch vụ Homestay, tự liên kết nhau để tổ chức tour du lịch cho khách; chưa xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, chưa có sự liên kết và cơ chế liên kết ngành du lịch và nông nghiệp. Phương tiện và nguồn lực, vật lực phục vụ khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tính chuyên nghiệp, kinh phí đầu tư còn hạn chế,…
Và lễ hội hoa kiểng Chợ Lách lần thứ I - năm 2025 chính là hoạt động phù hợp nhất, thiết thực nhất để Chợ Lách đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng Làng văn hóa du lịch của huyện. Đây là Lễ hội hoa – kiểng được tổ chức lần đầu tiên của huyện, không chỉ nâng cao giá trị của thương hiệu hoa, kiểng Chợ Lách mà còn để giới thiệu, quảng bá những nét đẹp về văn hóa, lịch sử, con người và cảnh quan của Chợ Lách đến với bạn bè gần xa. Chợ Lách được biết đến không chỉ là nơi sản xuất giống cây trồng lớn nhất nước mà còn là vương quốc của các loại hoa, kiểng. Qua đó, sẽ thu hút được nhiều hơn sự quan tâm, đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức và du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển bền vững.
Một vườn bông giấy trên địa bàn huyện những ngày cận Tết.
Đối với người dân, thông qua các hoạt động của Lễ hội, người dân sẽ trải nghiệm một cách chân thật nhất từ việc chuẩn bị không gian phục vụ du lịch đáp ứng thị hiếu của khách du lịch; công tác bố trí, sắp xếp, đón tiếp; sự liên kết trong chuỗi tour phục vụ các nhu cầu của khác tham quan, du lịch;…nâng "tầm" và nâng "tay" trong "làm" du lịch. Mỗi người dân Chợ Lách hiền hòa, mến khách, lịch sự ứng xử có văn hóa, biết giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, biết tôn trọng và phát huy những giá trị văn hóa của địa phương mình, góp phần quan trọng vào phát triển du lịch của huyện nhà.
Có thể nói, từ những thực trạng của ngành du lịch của huyện trong thời gian qua, Lễ hội hoa – kiểng Chợ Lách năm 2025 là một "mở bài" mang tính bài bản nhất và cũng thiết thực nhất cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng của ngành du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái xanh, bền vững huyện nhà trong thời gian tới.
Huỳnh Ly