“Lạm thu”: Lãnh đạo nhà trường có thể bị xử lý hình sự
12:51 - 18/10/2022
Các chuyên gia cho rằng, lãnh đạo nhà trường thiếu trách nhiệm, chỉ đạo thu tiền, thu phí… “lạm thu” bất hợp lý, trái với quy định có thể bị xử lý hình sự trước pháp luật.
Năm nào cũng vậy, tình trạng lạm thu trong các trường học luôn trở thành đề tài “nóng” vào đầu mỗi năm học. Trước tình hình này, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều quy định về những khoản nào được phép thu, khoản nào không được thu.
Cùng với đó, tại các địa phương, UBND cấp tỉnh/TP cũng có quy định về việc này nhưng dường như chưa đủ sức răn đe, cảnh báo tại các cơ sở giáo dục công lập, trường học; đồng thời, còn biến tướng, xuất hiện nhiều khoản thu “lạ”.
Trên thực tế, khi để xảy ra lạm thu trong trường học, các cá nhân, tập thể thường bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Đối với những sự việc gây hậu quả nghiêm trọng và có dấu hiệu của tội phạm, các cá nhân còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điển hình mới đây, TAND quận Lê Chân (Hải Phòng) đã tuyên bà Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1971) – nguyên Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân, Hải Phòng) 42 tháng tù giam bà Nguyễn Thị Huế (SN 1979) - Thủ quỹ của trường bị tuyên 18 tháng tù giam vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để tổ chức thu tiền của cha mẹ học sinh không đúng quy định. Tổng số tiền thiệt hại là hơn 872 triệu đồng.
“Lạm thu” để tư lợi sẽ bị xử lý hình sự
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, do một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện chưa đúng quy định của Nhà nước nên dẫn đến tình trạng lạm thu. Theo đó, các cơ sở này ‘vẽ’ ra nhiều hoạt động, rồi mượn danh nghĩa ‘tự nguyện’ hay ‘thu các khoản ngoài quy định của Nhà nước’ để yêu cầu phụ huynh, học sinh đóng góp, hoàn thành.
Pháp luật nước ta hiện chỉ quy định trường hợp thu sai, người lạm thu sẽ phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền, trường hợp gây thiệt hại sẽ phải bồi thường cho những người đã đóng góp.
Tuy nhiên, nếu lãnh đạo nhà trường đưa ra mức thu như vậy nhằm mục đích sử dụng cho cá nhân và khác với thông báo, kế hoạch ban đầu, hành vi “lạm thu” này sẽ cấu thành ‘Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp vì vụ lợi hoặc mục đích cá nhân khác vượt quá thẩm quyền của cán bộ, làm trái nhiệm vụ được giao sẽ bị xử lý về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ’ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, vấn đề lạm thu năm nào cũng “nóng”. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm thực trạng này, cha mẹ học sinh cần có sự nhận định, đánh giá, cân nhắc và biết từ chối đóng những khoản tiền trái quy định dưới hình thức kêu gọi tự nguyện.
Mặt khác, vấn đề này không phải là mới, chưa từng có. Vì vậy, các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các Phòng, Sở GĐ-ĐT cần có sự kiểm tra, giám sát, xử phạt mạnh mang tính răn đe, tuỷ trách nhiệm người đứng đầu tại các cơ sở giáo dục có hành vi lạm thu. Từ đó, loại bỏ được tâm lý “nếu bị phát hiện chỉ cần rút kinh nghiệm và hoàn trả số tiền đã thu là xong...”.
Ban đại diện cha mẹ học sinh – “cánh tay nối dài” của nhà trường
Trao đổi với Pháp luật Plus – Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, mỗi trường có một Ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là Ban đại diện) và việc thu quỹ của Ban phải thực hiện theo quy định.
Cụ thể, việc thu tiền quỹ này phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, dân chủ, công khai, minh bạch. Trong đó, tự nguyện là phải có sự đồng thuận, thống nhất trong tất cả các phụ huynh thì khoản quỹ đó mới được thu. Còn trường hợp cá nhân tự nguyện thì sẽ không phụ thuộc vào sự đóng góp của những người còn lại. Nếu ở trường nào mà vi phạm sự tự nguyện, ép buộc các phụ huynh nộp các khoản tiền không theo ý chí mong muốn của họ thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết, việc thu quỹ của Ban đại diện sẽ được thực hiện theo quy định của quy chế ban hành kèm theo Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, tại khoản 4, Điều 10 của Quy chế cũng quy định Ban đại diện không được thu quỹ mà không có sự tự nguyện của các phụ huynh hoặc thu để chi phí cho các khoản đầu tư cơ bản thuộc trách nhiệm của nhà trường.
“Ban đại diện được thành lập và hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo công bằng, dân chủ tránh việc lợi dụng sự hoạt động để lạm thu, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các phụ huynh học sinh, phát sinh những tiêu cực xã hội. Trong quá trình hoạt động của Ban đại diện, có sự tham gia và giám sát chặt chẽ của giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường theo quy định” – Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Luật sư Đặng Văn Cường, Ban đại diện luôn có sự tham gia, kiểm tra, giám sát, phối hợp của giáo viên chủ nhiệm và đại lãnh đạo nhà trường. Trường hợp giáo viên hoặc cán bộ lãnh đạo nhà trường cấu kết với Ban đại diện thu các khoản thu trái quy định, không phù hợp với quy định là hành vi vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường nào xảy ra tình trạng lạm thu, Thanh tra ngành Giáo dục có quyền vào cuộc thanh tra kiểm tra làm rõ sai phạm của Ban đại diện, giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường (nếu có). Trước tiên, Ban đại diện có hành vi thu quỹ trái quy định phải hoàn trả số tiền thu sai quy định, nếu đã chi sai quy định mà không thể hoàn trả được ngay thì người thu, chi sai quy định phải liên đới bồi thường thiệt hại cho các phụ huynh.
Nếu phát hiện giáo viên, cán bộ lãnh đạo nhà trường nhận tiền chi sai quy định hoặc cấu kết với Ban đại diện để thu phải sử dụng quỹ sai quy định thì phải xem xét xử lý kỷ luật, phải bồi thường thiệt hại nếu hành vi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây ảnh hưởng xấu đến tự luận thì còn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc bằng những chế tài của pháp luật.
https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/lam-thu-lanh-dao-nha-truong-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-d185461.html