Lam phat va lai suat tang cao - “con bao hoan hao” voi kinh te Canada hinh anh 1Hàng hóa được bày bán tại một khu chợ ở Toronto (Canada) ngày 22/6/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhu cầu tại Ngân hàng Thực phẩm Ottawa của Canada đã tăng 33% so với mức trước đại dịch COVID-19, với số lượt người ghé tới tăng mạnh, giữa bối cảnh giá hàng tạp hóa, xăng và tiền thuê nhà tăng vọt, cùng với lãi suất đi vay tăng nhanh, khiến nhiều người dân nước này phải chật vật để kiếm sống.

Tại một nhà kho trong một khu công nghiệp ở thủ đô Ottawa, những thùng kim loại khổng lồ chứa hàng thiết yếu quyên góp được chất thành đống cao khi các tình nguyện viên phân loại đồ hộp, mỳ ống và các loại thực phẩm khác để phân phối cho người dân trên khắp thành phố.

Rachael Wilson, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thực phẩm Ottawa, cho biết: “Chúng tôi đang phải tiếp ngày càng nhiều người hơn. Hiện tổ chức hiện đang chi 6 triệu CAD (4,4 triệu USD) mỗi năm cho thực phẩm, tăng từ mức 2 triệu CAD trước đại dịch.

Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí thực phẩm leo thang, nhưng một phần khác cũng vì số lượng người đang tiếp cận ngân hàng thực phẩm gia tăng. Điều đó không may đã tạo nên một “cơn bão hoàn hảo" cho nền kinh tế Canada.

Tỷ lệ lạm phát của Canada đã giảm xuống 6,9% từ mức đỉnh 8,1%, nhưng chi phí thực phẩm vẫn đang tăng nhanh và áp lực giá cả cơ bản vẫn còn căng thẳng.

[Canada tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát]

Đồng thời, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã tăng lãi suất thêm 3,5 điểm phần trăm chỉ trong bảy tháng qua, một trong những chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm cố gắng đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Lãi suất của Canada hiện lần đầu tiên kể từ năm 2008 đứng ở mức 3,75%.

Kết quả là người tiêu dùng Canada và các doanh nghiệp nhỏ đang bị siết chặt từ cả hai phía, khiến các chính trị gia, công đoàn và thậm chí một số nhà kinh tế khẩn thiết kêu gọi BoC giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau quyết định này, Thống đốc BoC Tiff Macklem cho biết việc khôi phục ổn định giá cả không dễ dàng, nhưng việc để lạm phát tăng cao sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Ông nói: "Tôi hiểu rất nhiều người Canada đang mắc nợ và việc tăng lãi suất sẽ gây thêm căng thẳng cho họ. Đó là điều mà chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ."

Canada, với những ngôi nhà đắt tiền và mức nợ hộ gia đình cao nhất Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), đặc biệt nhạy cảm với lãi suất cao, với lo ngại rằng việc BoC tiếp tục tăng mạnh lãi suất sẽ gây ra suy thoái cho nền kinh tế.

Wes Farnell, người điều hành Eight Ounce Coffee ở thành phố Calgary, cho biết hoạt động kinh doanh thiết bị pha cà phê đặc biệt của ông đã tăng trưởng 25%- 35% một năm trước đại dịch, và sau đó bùng nổ mạnh mẽ khi các đợt phong tỏa do dịch COVID-19 dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các thiết bị phục vụ lối sống cao cấp.

Giờ đây, ông đã nhận thấy những dấu hiệu lo ngại về lạm phát nóng và suy thoái khiến người tiêu dùng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu hơn là các thiết bị xa xỉ, khiến số lượng đơn đặt hàng lớn ngày càng ít hơn, ngay cả khi mùa mua sắm nghỉ lễ đang đến gần.

Người nông dân Canada cũng phải chịu đựng “nỗi đau” này, khi mà mức nợ cao kỷ lục và chi phí vận hành tăng cao đang đè nặng lên nhiều hộ nông dân, bất chấp giá ngũ cốc tăng mạnh.

Đối với Brodie Haugan, người điều hành trang trại với cha mẹ của mình gần Orion, Alberta, lạm phát đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, cùng với hạn hán không ngừng.

Với giá thức ăn chăn nuôi tăng nhanh hơn giá bò, Haugan đã giảm 30% số lượng đàn bò 400 con của mình vào mùa Xuân năm nay. Anh cũng trì hoãn việc mua một chiếc xe tải mới, vốn rất cần thiết, vì giá đã tăng lên 100.000 CAD so với mức 75.000 CAD trước đại dịch./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)