Lam phat co ban cua Singapore tiep tuc dat dinh trong 15 nam hinh anh 1Một siêu thị ở Singapore. (Nguồn: Shopback)

Theo thông cáo báo chí từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) và Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) ngày 23/3, lạm phát cơ bản của Singapore, không bao gồm chi phí đi lại và ăn ở cá nhân, đạt mức 5,5% vào tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, không thay đổi so với tháng 1.

Lạm phát lõi giảm xuống 0%, từ 0,8% trong tháng 1 khi giá điều chỉnh theo mức tăng Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) từ 7% lên 8%.

Lạm phát cơ bản có thể đã ổn định trong tháng 2 sau khi giá điện và giá bán lẻ tăng nhanh hơn, bù đắp cho chi phí dịch vụ tăng chậm. Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng sẽ có thời gian nghỉ ngơi trong bối cảnh hỗn loạn ngân hàng toàn cầu.

Giá tiêu dùng cơ bản - phản ánh chính xác hơn chi phí của các hộ gia đình Singapore, đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, không đổi so với tháng 1 và tương đương mức cao nhất từng có vào tháng 11/2008.

Lạm phát tháng Hai thấp hơn mức 5,8% mà các nhà phân tích dự đoán trong một cuộc thăm dò của Bloomberg. Lạm phát cơ bản tăng vào tháng 1 một phần do GST cao hơn vừa được áp dụng, sau khi ổn định từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái sau khi tăng trong 8 tháng liên tiếp.

MAS và MTI cho biết chỉ số giá tiêu dùng toàn phần hay lạm phát tổng thể, đã giảm xuống 6,3% trong tháng 2 so với mức 6,6% của tháng 1, thấp hơn mức dự báo 6,4% của các nhà phân tích. Điều này được dẫn dắt bởi lạm phát giao thông tư nhân thấp hơn.

 

Các dự báo chính thức cho lạm phát toàn phần năm nay vẫn không thay đổi ở mức từ 5,5-6,5% và cho lạm phát cơ bản ở mức từ 3,5-4,5%. Những ước tính này có tính đến mức tăng GST từ 7% lên 8% kể từ ngày 1/1/2023.

Nhà kinh tế Chua Hak Bin của Maybank cho biết lạm phát có thể giảm nhanh hơn rất nhiều trong các quý tới do các điều kiện tín dụng thắt chặt và lãi suất ngắn hạn tăng làm giảm đầu tư cũng như chi tiêu của người dân.

Tuy nhiên, tiến sỹ Chua Hak Bin tin rằng MAS có thể sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ một lần nữa tại cuộc họp tháng 4 để chống lại áp lực giá cả. Ông cũng lưu ý cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng sẽ có tác động giảm phát đối với tăng trưởng và giá cả.

Tiến sỹ Chua Hak Bin cho biết: “Tăng trưởng cho vay trên toàn hệ thống ở Singapore đang giảm dần, dẫn đến các khoản cho vay kinh doanh giảm. Cuộc khủng hoảng ngân hàng và các điều kiện tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ làm dịu đi áp lực về chi phí tiền lương và thị trường lao động đang bị thắt chặt."

MAS và MTI cho biết có những rủi ro ngược đối với triển vọng lạm phát, bao gồm từ những cú sốc mới đối với giá cả hàng hóa toàn cầu và các nguồn lạm phát trong nước và bên ngoài kéo dài hơn dự kiến.

[Kinh tế Singapore sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2023]

Theo báo cáo của MAS và MTI , điện và gas tăng nhiều nhất, ở mức 12,1% trong tháng 2 so với 11,5% trong tháng 1, do chi phí điện tăng mạnh hơn.

Lạm phát ở lĩnh vực bán lẻ và các hàng hóa khác tăng lên 3,8% trong tháng 2, so với mức tăng 3,3% trong tháng 1. Nguyên nhân được cho là thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá cao hơn và tốc độ tăng giá nhanh hơn đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân, cũng như hàng hóa giải trí và văn hóa.

Lạm phát giao thông tư nhân giảm nhiều nhất, giảm xuống 12,1% từ 14,3% trong tháng 1 do giá ô tô tăng ít hơn và giá xăng dầu giảm.

Lạm phát dịch vụ giảm nhẹ xuống 3,9%, trong khi lạm phát ở lĩnh vực lương thực không đổi ở mức 8,1%./.

Tấn Đạt (TTXVN/Vietnam+)