Lam phat cao khien thu nhap thuc te cua nguoi Duc giam manh hinh anh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thu nhập thực tế ở Đức năm 2022 đã giảm 4,1%  so với cùng kỳ năm trước đó do giá tiêu dùng tăng. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 - theo số liệu sơ bộ do Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 7/2. 

Theo Destatis, năm 2022, tỷ lệ lạm phát hằng năm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng lên mức kỷ lục 7,9%, vượt mức tăng 3,4% của thu nhập danh nghĩa. Trong khi đó, thu nhập thực tế đã giảm trong 2 năm trước đó do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Do đó, ngày càng nhiều người Đức sử dụng các khoản vay thấu chi để trang trải hóa đơn sinh hoạt. Theo Liên đoàn các tổ chức người tiêu dùng Đức (VZBV), cứ 7 người tiêu dùng thì có một người đã rút tiền vượt hạn mức tài khoản ngân hàng của họ trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 năm ngoái.

Giám đốc điều hành VZBV Ramona Pop tuần trước cảnh báo chi phí sinh hoạt tăng cao có nguy cơ khiến người tiêu dùng mắc nợ quá nhiều, đồng thời nhấn mạnh rằng các khoản vay thấu chi quá đắt để bù đắp cho những thiếu hụt tài chính trong trung và dài hạn do lãi suất tăng cao.

[Chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát ở Đức có thể đã đạt đỉnh]

Theo một nghiên cứu gần đây về hành vi chi tiêu của người Đức do Viện Chính sách kinh tế Vĩ mô (IMK) thực hiện, các hộ gia đình có thu nhập thấp đặc biệt bị ảnh hưởng do lạm phát cao.

 

Đối với nhóm đối tượng này, lạm phát năm ngoái cao tới 8,8%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với tỷ lệ lạm phát chung, 

Trái lại, đối với những người độc thân có thu nhập cao, lạm phát chỉ ở mức 6,6%. Theo IMK, "khoảng cách xã hội" này về độ nghiêm trọng của sức ép lạm phát đã được thu hẹp ở một mức độ nào đó nhờ các biện pháp cứu trợ mới nhất của chính phủ, nhưng vẫn có sự chênh lệch./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)