Làm gì để giải “bài toán” kinh tế báo chí?
22:21 - 21/06/2021
Tạp chí GTVT - Trong bối cảnh nguồn thu quảng cáo cho báo in giảm sút, quảng cáo trên báo điện tử không bù đắp được phần mất đi, ngay cả khi lượng truy cập tăng lên như trong thời gian xảy ra đại dịch hiện nay thì việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó có chiến lược thu phí báo điện tử là vấn đề đang được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm.
Doanh thu quảng cáo Việt Nam “chảy” vào túi Google, Facebook
Theo báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, năm 2020, sự phát triển mạnh mẽ truyền thông xã hội trên không gian mạng cùng những khó khăn của kinh tế, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, số lượng phát hành và quảng cáo giảm mạnh… đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế báo chí trong nước.
Theo thống kê chưa đầy đủ, nhiều cơ quan báo chí cho biết doanh thu đã giảm 70% so với năm 2019. Riêng khối truyền hình, phát thanh, doanh thu đạt gần 9.500 tỉ đồng, nguồn thu chủ yếu đến từ các hợp đồng truyền thông, quảng cáo (trên 5.700 tỉ đồng, giảm 4% so với năm 2019).
Đối với báo điện tử, doanh thu chủ yếu là từ quảng cáo, các hợp đồng truyền thông. Tuy nhiên, hiện nay đang có sự chuyển dịch lớn khi các doanh nghiệp lựa chọn phương tiện quảng cáo thông qua các phương tiện truyền thông xã hội nhiều hơn thay vì quảng cáo trên báo điện tử. Ngoài ra, một thực tế phũ phàng nổi lên vài năm gần đây là khoảng 75 - 80% doanh thu quảng cáo digital chảy vào túi hai ông lớn Google và Facebook.
Theo số liệu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam ước đạt khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD. Như vậy, tổng doanh thu quảng cáo của cả nghìn cơ quan báo chí của Việt Nam cũng chỉ bằng hơn nửa của Google.
Đứng trước những khó khăn này, nhiều tòa soạn có nguy cơ bị giải thể hoặc thu hẹp mô hình hoạt động. Một số tờ báo phải xoay xở bằng việc tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Facebook, Google. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “giật tít câu view”, gây mất niềm tin cho độc giả. Bên cạnh đó, thói quen độc giả thay đổi cùng sự áp đảo của truyền thông xã hội khiến các cơ quan báo chí mất dần người đọc. Các cơ quan báo chí đang mất dần khả năng kiểm soát phân phối tin tức.
Giải bài toàn kinh tế báo chí, cách nào?
Tại Diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức giữa năm 2020, nhiều nhà lãnh đạo báo chí hiểu rõ việc thu tiền từ bạn đọc online ở Việt Nam rất khó nhưng báo chí vẫn sẽ phải bắt tay vào làm nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu của mình để tồn tại.
Ngày 20/6/2018, Báo điện tử VietnamPlus của TTXVN trở thành cơ quan báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam thu phí đọc nội dung trên nền tảng digital. Mỗi ngày, VietnamPlus mới chỉ phát khoảng 5 - 10 bài thu phí, gồm những bài phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền... do tòa soạn tự sản xuất, hoặc dịch lại theo nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới. Vì số lượng tin bán ít nên không ảnh hưởng đến việc cung cấp thông tin thiết yếu phục vụ độc giả và vẫn đảm bảo đúng tôn chỉ cũng như định hướng của TTXVN. Những nội dung mà VietnamPlus đã và đang thực hiện thu phí tập trung vào 4 mảng chính: Chính trị - Xã hội, Thế giới, Kinh tế - Công nghệ và Văn hóa - Thể thao. Các bài viết này được phân tích dưới góc nhìn đa chiều, quan trọng hơn có nhiều thông tin mang tính độc quyền bởi được các PV thường trú ở nước ngoài cung cấp nhanh chóng, kịp thời, thông tin đặc sắc, thu hút sự quan tâm của công chúng
http://www.tapchigiaothong.vn/lam-gi-de-giai-bai-toan-kinh-te-bao-chi-d91677.html