Làm gì để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
16:47 - 03/07/2022
Nhiều mối nguy “ẩn nấp” trên mạng đe dọa trẻ em
Suốt nửa tháng nay, chị Lâm Thị Mỹ An, ngụ quận 9, TP HCM thấy con gái 10 tuổi ít ăn, trầm tính hẳn, buồn bã, giảm cân nhiều và có dấu hiệu lo lắng, bất an nên vợ chồng chị theo sát, hỏi han con nhưng con lẩn tránh. Sợ con có vấn đề gì xảy ra, vợ chồng chị đưa con đến chuyên gia tư vấn tâm lý để trò chuyện.
Sau khi được chuyên gia tâm lý khéo léo, giải tỏa khúc mắc, bé gái mới thổ lộ những rắc rối trên mạng mà cháu gặp phải. Trước đó, cháu tham gia một nhóm fan hâm mộ truyện tranh manga. Sau đó, vì một nhân vật trong truyện tranh mà cô bé có xảy ra tranh cãi với một nhóm “fan” của nhân vật truyện tranh ấy. Cuộc tranh cãi diễn ra gay gắt, hai bên chửi nhau nặng nề. Cô bé bị một nhóm trên mạng chửi bới, hăm dọa đánh. Nhóm này tràn vào facebook cô bé để bình luận tục tĩu, liên tục nhắn tin đe dọa khiến cô bé sợ hãi, suy sụp tinh thần mà không dám thổ lộ cùng ai.
Cô bé không dám nói với cha mẹ vì sợ cha mẹ mắng vì tội lên mạng chửi nhau với bạn bè. Trước sự việc, chuyên gia tâm lý đã đưa ra lời khuyên vợ chồng chị Mỹ An nên bình tĩnh, chuyện trò cùng con gái chứ không nên la mắng, trách phạt bé mà lắng nghe, chia sẻ, an ủi và cho bé cảm giác được bảo vệ trước những sự việc đang xảy ra. Đồng thời, hai vợ chồng chị cũng nên có những phương pháp nhằm ngăn chặn tình trạng con bị bắt nạt trên mạng xã hội như trên.
Còn anh Huỳnh Văn Đông, ngụ Hóc Môn, TP HCM thì một phen hoảng hồn khi một hôm phát hiện hình ảnh con trai mình, mới 13 tuổi xuất hiện trên một Facebook khác. Điều đáng nói, Facebook cá nhân không rõ danh tính này đăng tải rất nhiều hình ảnh bé trai đủ các độ tuổi lớn nhỏ, đều là bé trai xinh xắn, khôi ngô. Anh Đông nhớ ra tấm ảnh chụp con trai đang đá bóng này anh từng đăng trên Facebook cá nhân của anh. Lo ngại trang Facebook giấu mặt trên có ý đồ xấu, anh đã nhờ bạn bè cùng gửi báo cáo đến Facebook về trang cá nhân nói trên để khoá trang.
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin một gia đình đăng tin tìm con gái. Bé gái 14 tuổi, một ngày nọ sau khi đi học về đã mất tích không rõ đi đâu. Sau một ngày tích cực tìm kiếm, gia đình đã tìm được bé gái ở cách đó 200km, em bắt xe đò theo lời hẹn của một người bạn mới quen trên mạng và rất may mắn em đã được phát hiện sớm trước khi có chuyện không hay xảy ra. Cũng cách đây không lâu, một bé trai đã đạp xe đạp từ TP HCM xuống tận Cần Thơ để thăm người bạn gái quen qua mạng. Còn nhiều trường hợp không may, từ những lời hẹn hò như thế, nhiều em nhỏ đã lọt vào tay bọn buôn người, ấu dâm, lạm dụng trẻ em...
Kết quả khảo sát của một đề tài khoa học cấp bộ của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2010 - 2018, lực lượng cảnh sát hình sự đã phát hiện, điều tra xử lý 319 vụ/337 đối tượng xâm hại tình dục trẻ em dùng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội; trong đó, có 33 đối tượng là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thực tế, cho đến nay, khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, số lượng các vụ việc như trên đã tăng lên và mối nguy trẻ bị xâm hại tình dục xuất phát từ môi trường mạng chính là nỗi lo đau đáu trong lòng cha mẹ khi có con nhỏ.
Theo các chuyên gia, có 7 mối nguy hại thường gặp trên không gian mạng đối với trẻ em. Đó là nguy cơ bị đánh cắp danh tính, nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến, bị quấy rối tình dục trực tuyến, rơi vào tay bọn buôn bán người, nguy cơ nghiện game, bị lừa đảo và tiếp cận nội dung cấm, trái phép. Rất nhiều phụ huynh đã phải nhận “trái đắng” khi chỉ vì chủ quan, sơ suất, không theo sát mà con gặp phải những nguy hiểm trên mạng, nhiều vụ việc gây tổn thương nặng nề cho trẻ, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình.
Ảnh minh họa |
Bảo vệ con trên không gian mạng
Việc “cấm” trẻ tham gia hoạt động trên mạng là điều không khả thi ở thời đại 4.0 ngày nay. Thậm chí, cấm cản có thể gây ra những tác dụng ngược, ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, khiến trẻ “tụt hậu” hoặc bất mãn với gia đình.
Thay vào đó, phụ huynh có thể để con tham gia mạng xã hội, nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ của cha mẹ và đặt ra những “nguyên tắc” cần thiết cho cả cha mẹ lẫn con cái trên môi trường mạng.
Nguyên tắc đầu tiên mà cha mẹ cần tuân thủ trên mạng, đó là bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân của gia đình, của con cái. Nhiều bậc cha mẹ thường đăng tải ảnh con “bất chấp”, trong đó có cả những tấm ảnh khá riêng tư như cởi trần, mặc đồ bơi... Nhiều người thích “check in” nơi chốn con đi, đến, kể cả nhà ở hay ngôi trường con học, tên tuổi và lớp học của con. Những điều này rất nguy hiểm nếu có những đối tượng theo dõi và có ý đồ xấu với con. Đã có trường hợp, con trẻ bị người lạ đến tận trường “dụ dỗ” chỉ vì cha mẹ công khai thông tin cụ thể chi tiết của con.
Nguyên tắc về quyền riêng tư như trên khi tham gia mạng xã hội.
Đồng thời, dạy con có cách ứng xử hợp lý với các mối quan hệ trên mạng là cách cha mẹ cần làm. Cách con ứng xử với người quen, người thân như thế nào, cách ứng xử với bạn bè, người lạ ra sao. Đặc biệt cần nhắc nhở con cẩn trọng với những người mới quen trên mạng. Nếu chưa từng gặp mặt thì con không được cung cấp các thông tin riêng tư như số nhà, trường học, lớp học, số điện thoại. Nếu con hẹn gặp những người bạn quen từ trên mạng thì cần có cha mẹ hay người lớn đáng tin cậy đi cùng.
Ngay cả với bạn học, con cũng không nên tiết lộ mật khẩu của các tài khoản đăng ký mạng xã hội, trang mua sắm… rất có thể bạn bè sẽ sử dụng tài khoản của con làm những việc không hay, dù chỉ là trêu đùa.
Dạy con về ngôn ngữ thích hợp cần sử dụng trên mạng xã hội cũng là một nguyên tắc quan trọng nên làm khi chuẩn bị cho con tham gia mạng xã hội. Bởi hầu hết những vụ bắt nạt trên mạng, ném đá tập thể, đấu khẩu từ trên mạng chuyển thành hành hung ngoài đời... cũng từ những ngôn ngữ quá khích, thiếu chuẩn mực trên mạng của các bạn trẻ mà ra.
Khi con được hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, có thể sẽ tránh được những cách bình luận ác ý, tục bậy, phân biệt đối xử, kì thị... Sự dạy dỗ này không những có thể giúp con tránh được những rắc rối trên mạng mà còn thông qua đó dạy con trở thành một cư dân mạng văn minh, tử tế.
Và quan trọng, cha mẹ cũng nên thường xuyên chia sẻ cùng con những vấn đề con gặp phải trên mạng, nhắc nhở con dẫu có chuyện gì xảy ra trên mạng cũng cần “cầu cứu” để gia đình cùng nhau giải quyết. Trẻ con bồng bột, nông nổi, nếu có chuyện không hay, cha mẹ nên chọn cách bình tĩnh đối mặt, cùng con vượt qua chứ không nên trách mắng, trừng phạt sẽ càng đẩy con ra xa mình hơn.
Cha mẹ nên bày tỏ sự tôn trọng với con, nhưng cũng nên âm thầm theo sát con, quản lý những trang web, trang cá nhân, group con tham gia, kiểm soát những gì con đang làm, những đối tượng con giao tiếp... Hiện có rất nhiều ứng dụng hiệu quả để cha mẹ có thể quản lý trẻ thích hợp.
Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học trẻ em, 12 tuổi là độ tuổi thích hợp để trẻ em tiếp cận mạng xã hội. Một số nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cả trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, YouTube (Google) đều chung quy định chỉ cho phép người mở tài khoản mới từ 13 tuổi trở lên.
Chính vì thế, cha mẹ phải cân nhắc tránh cho phép con sử dụng mạng xã hội khi dưới 13 tuổi để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý và xã hội của trẻ. Đồng thời, cha mẹ cũng nên công khai hoặc âm thầm “kết bạn” trên mạng cùng con để có thể làm một người bạn trên không gian mạng, theo sát con và giúp con phòng tránh những mối nguy có thể xảy đến với trẻ.
Môi trường mạng bao la và phức tạp, để bảo vệ con trên không gian mạng không phải chuyện dễ dàng. Làm được điều này, đòi hỏi sự trách nhiệm, sâu sát, tâm lý của cha mẹ. Và quan trọng hơn hết, cha mẹ phải là tấm gương người dùng mạng xã hội tử tế, chuẩn mực, văn minh để con noi theo.
Trân Trân