Ngày 4/10, hai tỉnh Lâm Đồng, Thái Bình tổ chức họp Kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trên địa bàn.
Lâm Đồng chuyển mục đích sử dụng rừng thực hiện 5 dự án quan trọng
Tại Kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thứ 19, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã thông qua 10 nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất của hơn 40 ha rừng để xây dựng 5 công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Phạm Thị Phúc cho biết trong 9 tháng năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội địa phương gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, 3 tháng đầu năm, tỉnh Lâm Đồng khuyết cả hai chức danh quan trọng là Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Đến tháng 3 và tháng 8/2024, hai vị trí này mới được kiện toàn đầy đủ, nên nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn gặp nhiều trở ngại. Qua đánh giá chung cho thấy, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh không đạt kết quả so với yêu cầu Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra.
Cụ thể, chỉ tiêu thu ngân sách, chỉ tiêu giải ngân các công trình trọng điểm, chỉ tiêu thu hút đầu tư công... Một số dự án vướng mắc các quy định nên chưa thể triển khai. Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh chỉ thu hút được 3 nhà đầu tư với 3 dự án...
Các đại biểu tham dự kỳ họp đã xem xét, quyết định các nội dung quan trọng, gồm: Phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; thông qua Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.
Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua Phương án giải thể Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng; các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết quy định về nội dung hỗ trợ dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị; Nội dung hỗ trợ, trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án, phương án sản xuất hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh...
Đặc biệt, các đại biểu đã biểu quyết thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án; hủy bỏ danh mục các dự án đầu tư cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để đầu tư 1 số dự án quan trọng của tỉnh.
Cụ thể là Nghị quyết thông qua Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện 5 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đó là các dự án: Xây dựng hồ chứa nước Kazam tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương; Xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét, huyện Đức Trọng; Tiểu dự án xây dựng đường vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Phú Hội và xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng; Tiểu dự án xây dựng đường giao thông B’nơ-Bê Đê đi xã Lát, huyện Lạc Dương; Giai đoạn 1 Dự án xây dựng tuyến đường ĐT.729 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận và tuyến đường ĐT.722 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk.
Tổng cộng, tỉnh Lâm Đồng chủ trương chuyển mục đích sử dụng 40,68ha rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên sang mục đích khác để xây dựng 5 dự án trên. Trong đó lớn nhất là giai đoạn 1 của Dự án xây dựng tuyến đường ĐT.729 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận và tuyến đường ĐT.722 kết nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Lắk với diện tích chuyển đổi 17,94 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ.
Thứ hai là Dự án xây dựng hồ chứa nước Kazam tại xã Ka Đô cần chuyển đổi 11,13 ha rừng sản xuất và một phần diện tích đất ngoài lâm nghiệp để thực hiện dự án...
Phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn
Cùng ngày, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp để giải quyết các công việc phát sinh đột xuất trên địa bàn.
Các đại biểu tập trung xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua các nghị quyết như: Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tại Khu trung tâm y tế tỉnh; Về việc đề nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025; Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Trường Chính trị Thái Bình...
Đặc biệt, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn theo hình thức đầu tư công.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.220 tỷ đồng, bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện từ năm 2024-2026. Dự án có tổng chiều dài 21,28km, theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, vận tốc thiết kế 100km/h; bề rộng nền đường 22,5m.
Điểm đầu Dự án tại Km2+500 nối với đường dẫn cầu vượt sông Hóa thuộc địa phận xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Điểm cuối tại Km23+809 nối với đường Võ Nguyên Giáp thuộc địa phận xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Dự án hoàn thành sẽ giảm thiểu ùn tắc, tại nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Nghìn đến nút giao tuyến tránh Sl; tăng cường thông thương giữa các tỉnh Nam Định, Thái Bình, thành phố Hải Phòng và các địa phương khác có tuyến Quốc lộ 10 đi qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cũng tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết về việc thông qua Chương trình phát triển đô thị thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa quá trình triển khai các dự án, kế hoạch, quy hoạch đô thị, từng bước xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình theo tiêu chí đô thị loại I với vai trò là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội, khoa học kỹ thuật, quốc phòng an ninh của tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Trên cơ sở xem xét các tờ trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng Nhân dân tỉnh, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã dân chủ thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện và biểu quyết thông qua 10 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó: 5 nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án; 1 nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025; 3 nghị quyết liên quan đến cơ chế chính sách và 1 nghị quyết thông qua Chương trình phát triển đô thị thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2030.
Các nghị quyết có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, là cơ sở pháp lý quan trọng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phục vụ mục tiêu cấp bách phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến, tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và tầng lớp nhân dân.
Các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh bằng hình thức phù hợp, thông tin đến cử tri trong tỉnh về kết quả của Kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân toàn tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, đồng sức, đồng lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.../.
Nguồn: Lâm Đồng, Thái Bình họp HĐND tỉnh để giải quyết các vấn đề quan trọng | Vietnam+ (VietnamPlus)