Lai suat dieu hanh giam: Ky vong thi truong von duoc khoi thong hinh anh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm một số lãi suất điều hành được các chuyên gia đánh giá là một động thái khá mạnh dạn trong bối cảnh xu hướng lãi suất toàn cầu còn tăng nhẹ, áp lực lạm phát trong nước vẫn còn. Tuy nhiên đây là lại quyết định linh hoạt và kịp thời nhằm khơi thông thị trường vốn và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Nhân tố quyết định giảm lãi suất

Chia sẻ quan điểm về quyết định này, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định: “Chúng tôi nhận thấy Ngân hàng Nhà nước đã có những tín hiệu hỗ trợ thanh khoản thị trường tốt hơn.”

Cũng theo chuyên gia này, bên cạnh việc điều tiết nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng đang chờ được hỗ trợ thanh khoản.

Các chuyên gia cũng cho rằng đây có thể là phản ứng đón đầu của Ngân hàng Nhà nước sau khi 2 ngân hàng sụp đổ tại Mỹ và 1 ngân hàng của Thụy Sỹ là Credit Suisse cũng đang có nguy cơ phá sản. Có thể nói đây là động thái đi tắt đón đầu, Ngân hàng Nhà nước đã đi trước sự quan tâm, lo lắng của thị trường, đưa ra tín hiệu rằng Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng giảm lãi suất.

[NHNN: Từ ngày 15/3, các mức lãi suất điều hành sẽ giảm từ 0,5-1%]

 

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BVSC nhận định đây là động thái rất linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh USD đang yếu hơn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ “chùn tay” trong phiên họp ngày 23/3 và tốc độ tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ chậm lại và sớm hạ lãi suất trở lại ngay trong năm 2023, giúp giảm đáng kể áp lực đối với tỷ giá.

“Việc Ngân hàng Nhà nước tận dụng thời điểm này để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế là một quyết định rất linh hoạt và kịp thời. Động thái này cũng tạo ra dư địa về lãi suất trong trường hợp Fed chuyển hướng diều hâu hơn so với những kỳ vọng của thị trường,” chuyên gia phân tích của BVSC nhận định.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng qua đó, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tác động này sẽ không nhiều vì vay tái chiết khấu của các tổ chức tín dụng là khá khiêm tốn. Điểm lợi đáng chú ý ở đây là, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới, qua đó góp phần tăng thu nhập từ tín dụng và các dịch vụ liên quan cho các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra việc lãi suất giảm, trước mắt là lãi suất cho vay ngắn hạn, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, lần này chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, bằng nội tệ, đối với các lĩnh vực ưu tiên, nên phạm vi ảnh hưởng chưa nhiều. Sau này, khi mặt bằng lãi suất chung có điều kiện giảm thì sẽ tác động tích cực đối với tất cả các bên vay. Doanh nghiệp có thể huy động vốn mới (vay nợ, phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.

Lai suat dieu hanh giam: Ky vong thi truong von duoc khoi thong hinh anh 2Các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan với lạm phát. (Ảnh: Vietnam+)

Động thái chính sách này cũng đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần, theo đó, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đạt mục tiêu đề ra.    

Không chủ quan với lạm phát và yếu tố bên ngoài

Để chính sách trên phát huy tác dụng và nhất là có điều kiện giảm tiếp các lãi suất khác trên diện rộng, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng không chủ quan với lạm phát vì lạm phát của Việt Nam còn cao, áp lực tăng còn khá lớn. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, giá cả và các chính sách vĩ mô khác.

Ông Lực cũng lưu ý thêm cần phải theo sát tình hình thị trường tài chính quốc tế, nhất là sau các sự cố phá sản ngân hàng Mỹ vừa qua, để phân tích, dự báo và đưa ra kịch bản ứng phó phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống tài chính trong nước, cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát rủi ro hệ thống ngân hàng, chứng khoán.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm thiểu cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh, đôi khi phá vỡ mặt bằng lãi suất chung, khiến mong muốn giảm lãi suất trên diện rộng trở nên khó khăn hơn.

Cuối cùng theo ông Lực, bản thân các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, tiết giảm chi phí, tăng cường quán lý rủi ro (nhất là rủi ro thị trường - trong đó có rủi ro lãi suất, tỷ giá, rủi ro thanh khoản…), qua đó có điều kiện giảm lãi suất trên diện rộng và bền vững hơn. 

Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng khó khăn thanh khoản vẫn còn gây áp lực cho ngân hàng. Do đó, các ngân hàng vẫn còn phải duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn để thu hút người gửi tiền, đảm bảo tính thanh khoản. Tín dụng là dòng tiền phải chảy ra và trở về, tuy nhiên nếu rơi vào nợ xấu, dòng tiền này sẽ đi ra mà không quay lại, gây khó khăn cho thanh khoản.

Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Vị chuyên gia này cho rằng mức giảm là khá mạnh và kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng dồi dào tính thanh khoản hơn. Tuy nhiên, điều này còn cần phải quan sát bởi thị trường còn nhiều biến động và thách thức.

Ngoài ra, ông Tim Leelahaphan dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong suốt năm 2023 và kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước. Điều đó nghĩa là Ngân hàng Nhà nước có thể phải hỗ trợ VND để tránh nhập khẩu lạm phát. Standard Chartered cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ gia tăng dự trữ ngoại hối khi có cơ hội./.

Thúy Hà (Vietnam+)