Lại bùng phát xe quá tải vẫn lúng túng cách xử lý
17:41 - 20/05/2022
Tạp chí GTVT - Xe quá tải thời gian qua đã bùng phát trở lại tại nhiều địa phương, trong đó tập trung ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Với kỳ vọng sử dụng thiết bị ghi hình làm bằng chứng để xác minh và xử lý vi phạm của lái xe, chủ xe song nhiều địa phương đang lúng túng khi quy định cụ thể vẫn chưa rõ ràng.
Xe quá tải tiếp tục tái diễn
Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN cho biết, trong thời gian qua, tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng kể từ khi thực hiện trạng thái bình thường mới trong phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng cao từ 1 - 2 m, kể cả sơ-mi rơ-moóc tự đổ để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên các quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc miền Trung, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT, ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, tại tỉnh Yên Bái, các điểm nóng xe tải, xe ben có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng hàng, chở đất, đá quá tải từ các mỏ đất, đá lưu thông trên tuyến đường Vành đai phía Đông, đoạn qua thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên; xe ben chở quặng sắt quá tải lưu thông trên các tuyến đường tại xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên. Tại tỉnh Thái Nguyên, xe tải, xe ben có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở quá tải, lưu thông trên QL37, địa phận thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình...
Tương tự, thông qua đường dây nóng người dân phản ánh của Tổng cục ĐBVN mỗi ngày có hàng chục lượt xe ô tô trọng tải lớn, chở bê tông thương phẩm, đất đá quá tải lưu thông trên tuyến đê hữu Lục Nam, địa phận xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Tại tỉnh Ninh Bình, xe tải, xe ben có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở đất, đá, vật liệu xây dựng quá tải từ các mỏ tại khu vực phường Tân Bình và xã Yên Sơn (TP. Tam Điệp) lưu thông trên QL12B, QL1; xe chở than, clinke, xi măng quá tải lưu thông trên tuyến đê sông Đáy, địa bàn TP. Ninh Bình và huyện Yên Khánh.
Đặc biệt, các xe đầu kéo kéo theo sơ-mi rơ-moóc, xe tải, xe ben có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở vật liệu xây dựng quá tải lưu thông từ thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An qua tuyến đường 36 về cảng Đông Hồi rồi sang địa bàn thị xã Nghi Sơn; các đoàn xe tải, xe ben cơi nới kích thước thành thùng, chở đất, đá quá tải lưu thông trên ĐT.506, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Đây cũng là tình trạng diễn ra tại các huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh); xe chở cát quá tải tại địa bàn huyện Bố Trạch, lưu thông trên ĐT.566, QL1, hướng về TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; xe ben cơi nới kích thước thành thùng, chở cát quá tải từ nhà máy cát tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, lưu thông trên ĐT.11C về phía cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên - Huế...
Lúng túng trong xử lý
Với việc sử dụng kết quả thu được từ thiết bị ghi hình, đối với hành vi vi phạm về cơi nới thành thùng phương tiện trái quy định và một số hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ, để xử phạt vi phạm khi xe, người lái xe, chủ xe hoặc người thực hiện hành vi vi phạm không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm theo Thông tư số 42/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT “Quy định về thùng xe của xe tự đổ, xe xi-téc, xe tải tham gia giao thông đường bộ” và Điều khoản xử phạt hành vi vi phạm cơi nới thùng xe trái quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” được áp dụng với kỳ vọng xử lý xe quá tải. Tuy nhiên, rất nhiều địa phương hiện đang lúng túng bởi các quy định đã có nhưng việc triển khai thực hiện như thiết bị ghi hình, bằng chứng, trình tự ghi hình... vẫn chưa có quy định cụ thể.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Bùi Thị Hòa Bình - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện chưa có quy định về cơ quan, đơn vị, trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị ghi hình hoặc quy định thống nhất về mẫu máy, loại máy sử dụng chung trên toàn quốc để đạt hiệu quả cao nhất về kết quả xử lý vi phạm. Bên cạnh đó cũng chưa có quy định cụ thể về cơ quan, đơn vị đủ điều kiện tập huấn và cấp giấy chứng nhận đã tập huấn đối với người sử dụng thiết bị ghi hình. Do đó, cần có quy định cụ thể hoặc quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị phối hợp trong công tác xác minh chủ xe đảm bảo tính chính xác, kịp thời... và để gắn trách nhiệm với các cơ quan, đơn vị đó. Đây là những bất cập đang tồn tại nên khi thực hiện sẽ rất khó khăn cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hanh - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho rằng, hiện nay, lực lượng TTGT vẫn chưa được trang bị máy quay để thực hiện việc ghi hình phạt nguội phương tiện vi phạm, do đó, để thực hiện được quy định này cần rà soát, cắm đầy đủ các biển báo tải trọng cầu đường để người tham gia giao thông biết để thực hiện và làm căn cứ xử lý vi phạm quá tải trọng cầu, đường; đồng thời, chỉ cấp phép cho các cảng, mỏ khi lắp đặt cân để kiểm tra tải trọng vì đây là đầu mối cung cấp hàng hóa, điều quan trọng là quy định cụ thể lực lượng TTGT được sử dụng thiết bị để ghi lại hình ảnh phương tiện cơi nới thành thùng làm cơ sở xác định vi phạm hành chính để xử lý.