Kỳ vọng từ quy hoạch cảng biển
Tại Hội nghị trực tuyến công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào tháng 10/2021, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hệ thống cảng biển sẽ được phân loại nhóm cảng biển theo quy mô, chức năng và hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng. Trong đó, hệ thống luồng hàng hải, các công trình đèn biển, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải, quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và các công trình phụ trợ được quy hoạch...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong năm 2020, Bộ GTVT đã tập trung xây dựng 5 quy hoạch tổng thể ngành GTVT theo Luật Quy hoạch mới.
"Dù chịu nhiều áp lực, nhưng trong lịch sử ngành GTVT, chưa giai đoạn nào quy hoạch được làm tốt như giai đoạn này. Thay vì mỗi lĩnh vực làm quy hoạch ở một thời điểm khác nhau như trước đây, lần này, quy hoạch 5 lĩnh vực được thực hiện đồng thời giúp cho việc đánh giá tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực được hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện thực tiễn hơn", Bộ trưởng Thể trao đổi.
Để đảm bảo quy hoạch, Bộ GTVT cũng đã đề ra giải pháp về cơ chế, chính sách; huy động vốn đầu tư và môi trường, khoa học và công nghệ. Theo đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng cho biết sẽ đề xuất cơ chế đặc thù để Thủ tướng Chính phủ xem xét ký ban hành để nhà đầu tư tiếp cận vốn, tạo "sân chơi" cho nguồn vốn xã hội hóa rót tiền đầu tư vào cảng biển, tạo tiền đề phát triển cho đất nước.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, đây là lần đầu tiên, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí; các phương thức khác (đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt) sẽ phải ưu tiên kết nối với vai trò gom và giải tỏa hàng hóa cho cảng biển. Bên cạnh đó, để tăng tính kết nối, một loạt dự án đường bộ cao tốc, đường sắt đã được quy hoạch kết nối với các cảng biển quốc tế sẽ được ưu tiên đầu tư trong 5-10 năm tới.
"Nhờ được mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài từ rất sớm, nên cảng biển là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông trong 10 năm trở lại đây. Với sự xuất hiện của nhiều cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng), về cơ bản, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có thể đi thẳng tới châu Âu, Bắc Mỹ, mà không phải trung chuyển tại các cảng trong khu vực như Singapore, Hồng Kông, qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế", ông Sang trao đổi thêm.
Theo quy hoạch mới được phê duyệt, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới sẽ được phân thành 5 nhóm thay vì 6 nhóm cảng biển như giai đoạn trước. Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1 tỷ tấn đến hơn 1,4 tỷ tấn; trong đó, hàng container từ 38 - 47 triệu TEU; hành khách từ 10,1 - 10,3 triệu lượt khách.
Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới với năng lực đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4 - 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 - 1,3%/năm.
Đáng chú ý, nguồn lực cho phát triển cảng biển thời kỳ này chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách chiếm đến 95% trong tổng số 313.000 tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư cảng biển. Vốn ngân sách sẽ tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.
Cơ hội và thách thức nhìn từ quy hoạch cảng biển
Thực tế hiện nay, cơ sở hạ tầng cho hệ thống cảng biển của Việt Nam đang là cơ hội và cũng là thách thức đối với nước ta. Chính phủ, Bộ GTVT đã và đang tích cực đầu tư hạ tầng nhằm hiện đại hóa, gia tăng năng lực khai thác các cảng biển hiện có. Bên cạnh đó, một số cảng biển mới được xây dựng và đây là điều cần thiết nhằm đáp ứng năng suất cung ứng tiêu thụ của các doanh nghiệp gần khu vực.
Theo đánh giá của các chuyên gia, về cơ sở hạ tầng cảng biển, cơ sở giao thông phụ trợ, kết nối với cảng biển so với nhiều quốc gia có thế mạnh cùng ngành trong khu vực và trên thế giới, hệ thống cảng biển, bến bãi của Việt Nam chưa có sự đồng bộ, nhiều lạc hậu, vận hành một cách thủ công và chưa áp dụng công nghệ tối đa, trang thiết bị hiện đại.
Bàn về những cơ hội và thách thức này, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ, Bộ GTVT cần nghiên cứu sâu hơn và tạo điều kiện nhiều hơn khuyến khích thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp khối tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài nếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng của cảng biển, hệ thống giao thông phụ trợ, kết nối, cải cách các chính sách về thuế, thủ tục hành chính… Đồng thời, hệ thống cảng biển, bến bãi cần áp dụng tối đa công nghệ, trang thiết bị hiện tại để tạo lợi thế cạnh tranh, tăng năng suất, hiệu quả xử lý quy trình giao nhận.
Về nguồn nhân lực hoạt động trong ngành vận tải biển của chúng ta cần học tập và nâng cao chuyên môn để nắm chắc các điều khoản giao nhận, xóa bỏ các rào cản về bất đồng ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, các chính sách phòng chống, thích ứng với dịch bệnh COVID-19 cần triển khai nghiêm túc và hiệu quả tránh tình trạng nguồn nhân lực bị ảnh hưởng, hoạt động giao thương hàng hóa, vận tải bị đình, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc khắc phục những hạn chế trên sẽ giúp cho hệ thống cảng biển của Việt Nam có những đóng góp tích cực hơn nữa vào tiến trình phát triển chung của đất nước trong giai đoạn tới.