Ký ức năm World Cup năm 1994 và bước tiến của bóng đá Mỹ

08:05 - 19/11/2022

Nếu Lionel Messi chuyển đến câu lạc bộ Inter Miami thì đây sẽ là thành tựu cột mốc cho Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS), giải đấu ra đời sau thành công của nước này với tư cách chủ nhà World Cup 1994.
 

Ky uc nam World Cup nam 1994 va buoc tien cua bong da My hinh anh 1Người hâm mộ bóng đá bên trong sân vận động Rose Bowl trước trận chung kết Word Cup giữa Brazil và Italy, ở Pasadena, California, Hoa Kỳ, ngày 17/7/1994. (Nguồn: AP)

Mỹ là nơi mà những tên tuổi hàng đầu của bóng đá thế giới thường thi đấu trước khi giải nghệ, trong đó thương vụ đang được đồn đoán là tiền đạo Lionel Messi chuyển đến câu lạc bộ Inter Miami.

Nếu người đồng sở hữu câu lạc bộ này - cựu danh thủ David Beckham - có được chữ ký của siêu sao người Argentina vào mùa Hè tới, đây sẽ là thành tựu cột mốc cho Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS), giải đấu ra đời sau thành công của nước này với tư cách chủ nhà World Cup năm 1994.

Nhìn lại mùa Hè năm ấy, khi cả nước Mỹ cuồng nhiệt với trái bóng tròn khiến những người theo dõi thể thao nước này không khỏi ngạc nhiên bởi với người Mỹ, 3 môn thi đấu hàng đầu là bóng bầu dục, bóng chày và bóng rổ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu hồi năm ngoái chỉ ra rằng bóng đá đã vượt qua khúc côn cầu trên băng để trở thành môn thể thao phổ biến thứ 4 tại Mỹ.

[Từ khai mạc đến chung kết World Cup 2022: Con đường chúng ta sẽ đi qua]

Năm 2014, trả lời phỏng vấn của tờ Los Angeles Times, nhà sáng lập MLS Alan Rothenberg khẳng định: “Đội tuyển Mỹ sẽ không có được sự tiến bộ như ngày nay và MLS cũng sẽ không được ra đời, nếu không có kỳ World Cup năm ấy… Môn thể thao này đã được nâng tầm từ một khối vận hành đơn giản lên một tổ chức chuyên nghiệp, bài bản và có đầu tư."

Tại World Cup 1994, mọi sân vận động tại 9 thành phố diễn ra các trận đấu - từ sân Robert F. Kennedy Memorial ở Washington D.C (sức chứa hơn 53.000 chỗ ngồi) cho đến sân Rose Bowl ở California (hơn 94.000) - luôn đầy ắp khán giả.

Trên thực tế, giải đấu có doanh thu lớn nhất lịch sử World Cup này đã phá vỡ mọi kỷ lục theo dõi với 3,6 triệu lượt khán giả trực tiếp đến sân, trung bình gần 69.000 lượt/trận.

Đến nay, kỷ lục này vẫn chưa bị xô đổ, bất chấp việc World Cup đã tăng số đội tham dự từ 24 lên 32 vào năm 1998 ở Pháp.

Còn trên màn ảnh nhỏ, giải đấu cũng lập kỷ lục ở Mỹ với 11 triệu người xem trận đấu giữa Brazil và đội chủ nhà. World Cup 1994 đã thu về tổng cộng 50 triệu USD, số tiền được sử dụng để thành lập Quỹ Bóng đá Mỹ.

Trong tương lai, nếu Messi đến Mỹ, điều đó chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho một thế hệ thậm chí còn chưa được sinh ra khi nước này là chủ nhà của World Cup 1994.

Ngoài ra, Mỹ sẽ cùng Canada và Mexico trở thành 3 nước đăng cai giải đấu vào năm 2026, sự kiện chắc chắn sẽ nâng cao hơn nữa tầm vóc của môn bóng đá tại quốc gia này.

Tất nhiên, hàng triệu người Mỹ cũng sẽ cổ vũ cho đội tuyển quốc gia khi họ đến Qatar vào cuối tháng 11 để dự kỳ World Cup đầu tiên ở khu vực Trung Đông. Mỹ sẽ có trận đấu đầu tiên ở bảng B với Xứ Wales tại sân Al Rayyan vào ngày 21/11.

Ngoài ra, sự góp mặt của Anh và Iran chắc chắn sẽ khiến bảng B trở nên rất đáng xem.

Giấc mơ của những người hâm mộ bóng đá Mỹ là được chứng kiến những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới bắt đầu sự nghiệp thay vì “dưỡng già” tại mảnh đất này. Giấc mơ đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, tất cả đều bắt đầu từ World Cup 1994./.

Minh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ky-uc-nam-world-cup-nam-1994-va-buoc-tien-cua-bong-da-my/830042.vnp