Ky su tre voi uoc mo “bay cao” cung nong nghiep Viet Nam hinh anh 1Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ trực tiếp tới hiện trường để theo dõi hoạt động của những chiếc máy bay không người lái. (Ảnh: TTXVN phát)

Với khát vọng tạo sinh kế bền vững cho nông dân, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Thiên Vũ và các cộng sự đã sáng tạo ra những chiếc máy bay không người lái (drone) nhằm hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả, tạo bước ngoặt trong nông nghiệp.

Sáng tạo máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật

Vốn đam mê công nghệ chế tạo nên ngay từ khi còn là sinh viên ngành Điện-Điện tử, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Thiên Vũ (sinh năm 1991) đã bắt đầu ấp ủ ước mơ chế tạo máy bay và nghiên cứu, làm đồ án tốt nghiệp về lĩnh vực này.

Sau khi tốt nghiệp, Thiên Vũ tiếp tục nghiên cứu và phát triển máy bay không người lái trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Anh cùng các cộng sự tập trung nghiên cứu về truyền thông, sau đó phát triển một số ứng dụng khác về máy bay trong quân sự và đời sống.

[Nông sản Việt tìm cách chinh phục thị trường Hà Lan và Bắc Âu]

Năm 2015, Thiên Vũ và các cộng sự nhen nhóm sản xuất máy bay không người lái cho mảng nông nghiệp. Nhưng tại thời điểm đó, máy bay không người lái là một khái niệm xa lạ không chỉ với những người nông dân mà còn với đội ngũ của anh.

Với mong muốn nắm bắt được tình hình canh tác của những người nông dân, anh Vũ đã đi khắp các cánh đồng để tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp. Anh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” là cách thức canh tác của người nông dân còn thủ công, chưa áp dụng được các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Do đó, việc ứng dụng công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc trong quá trình canh tác là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, hành trình để đưa công nghệ máy bay không người lái tới cánh đồng là một câu chuyện gian nan. Anh Vũ kể, việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu là một khái niệm mới, không nhận được sự chấp thuận từ phía những người nông dân.

Nhiều người nông dân tỏ ý nghi ngờ vì công nghệ này có phần khác biệt so với cách mà họ vẫn đang canh tác trước kia. Một số khác cho rằng, máy bay nông nghiệp rất khó có thể tiếp cận được từ trên cao xuống mặt dưới lá bởi đó là nơi nhiều loại sâu bệnh thích ẩn náu và đẻ trứng.

Thử thách đến với Thiên Vũ khi cùng lúc là làm sao vừa đưa công nghệ mới về với người dân, nhưng đồng thời thuyết phục, chứng minh cho họ thấy đã đến lúc cần thay đổi những thói quen canh tác cũ.

Nhằm xua tan mối lo ngại và thắc mắc của nông dân, anh Vũ xin phun thử nghiệm miễn phí trên một mẫu ruộng ở tỉnh Đồng Tháp. Một bên anh sử dụng công nghệ thủ công, nửa còn lại áp dụng công nghệ cao để đối chứng.

Qua một vụ, người nông dân đã thấy hiệu quả rõ rệt. Đa số những người nông dân sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đều hưởng ứng công nghệ này.

Theo anh Vũ, việc sử dụng công nghệ máy bay không người lái vào nông nghiệp đã thay thế sức người, giúp cho việc sản xuất nông nghiệp có năng suất cao, hiệu quả hơn.

Đây còn là giải pháp giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường khi sản xuất nông nghiệp thủ công. “Khi phun thuốc bảo vệ thực vật bằng sức người, lượng nước rơi xuống sẽ không đều, ngấm xuống làm ô nhiễm đất dẫn đến tình trạng nông sản có thể bị tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Việc phun bằng máy bay với những hạt sương mù, lá cây sẽ thẩm thấu tốt, tiếp nhận lượng thuốc vừa đủ nên sẽ sinh trưởng tốt,” anh Vũ phân tích.

Sau lần thử nghiệm thành công ấy, anh Vũ và các cộng sự đã đưa máy bay không người lái đến các vùng nông nghiệp lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng các trung tâm đào tạo, bán hàng, dịch vụ và cơ sở thử nghiệm.

Đến nay, sản phẩm máy bay không người lái đã tiếp cận được hơn 30.000 hộ nông dân có mặt ở hơn 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Thúc đẩy phát triển nông sản Việt Nam

Thiên Vũ còn có mong muốn góp sức vào việc đưa nông sản Việt Nam lên bản đồ thế giới. Anh cho hay, thời gian gần đây, nông sản Việt Nam đang được đánh giá cao trên trường quốc tế, có ứng dụng công nghệ mới để mở rộng canh tác...

Ky su tre voi uoc mo “bay cao” cung nong nghiep Viet Nam hinh anh 2Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ cùng các cộng sự tự tay kiểm tra các thiết bị trước khi đưa vào sử dụng. (Ảnh: TTXVN phát)

Điều này còn thúc đẩy phát triển nông sản Việt Nam theo hướng sạch, hữu cơ để sản phẩm nông sản Việt Nam có tên tuổi trên bản đồ thế giới. Mặt khác, nông sản khi có đầu ra ổn định sẽ góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Không dừng lại ở đó, anh còn phối hợp với Trung ương Đoàn ra mắt sàn nông sản “Vũ trụ ảo AgriVerse.”

Chia sẻ về dự án này, anh Vũ cho biết anh luôn trăn trở về những sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên nông thôn dù có giá trị nhưng lại luôn khó khăn về đầu ra. Trong khi đó, nhiều người có nhu cầu sử dụng những sản phẩm nông sản sạch lại khó tiếp cận nguồn cung và không kiểm soát được chất lượng.

Do đó, sàn nông sản “Vũ trụ ảo AgriVerse” ra đời là giải pháp công nghệ mới giúp kết nối sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên nông thôn với người tiêu dùng có nhu cầu thông qua Vũ trụ ảo (Metaverse).

Giống với sàn thương mại điện tử thông thường nhưng người mua, người bán tham gia AgriVerse có thể gặp nhau trực tiếp, trao đổi, thử nghiệm sản phẩm 3D và thỏa thuận giá. Nhờ đó, thanh niên khởi nghiệp không cần làm các gian hàng vật lý mà chỉ cần đăng ký AgriVerse, khách hàng trên khắp thế giới có thể truy cập, thăm quan gian hàng, trao đổi, mua bán trực tiếp.

Theo anh Vũ, đây được coi là hướng đi mới cho số hóa nông nghiệp Việt Nam, đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên. Dự kiến đến năm 2025, sẽ có 400 sàn nông sản vũ trụ ảo AgriVerse được triển khai khắp cả nước.

Hiện các sàn nông sản này đã được triển khai tại 13 tỉnh, thành phố gồm Sơn La, Tuyên Quang, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Nông, Đăk Lăk, Đồng Tháp và Long An.

Với những kết quả đã đạt được, Thiên Vũ là một trong số 10 nhân vật được nhận Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 trong lĩnh vực Kinh doanh-Khởi nghiệp của Trung ương Đoàn. Trước đó, anh từng đoạt Giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu năm 2022./.

Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)