Ngày 6/9, lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) diễn ra tại Ninh Bình với chủ đề "Di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững."

Lễ kỷ niệm cùng sự kiện đón tiếp Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thể hiện vai trò, đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế nhằm tôn vinh, phát huy giá trị của Công ước đồng thời cũng giúp quảng bá rộng rãi những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy di sản thế giới.

Đây cũng là cơ hội khẳng định vị thế của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UNESCO, thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam ứng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

[Nâng cao vị thế của Việt Nam trong thực thi công ước quốc tế]

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho hay Công ước 1972 là công ước quốc tế đầu tiên và duy nhất gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Trong 50 năm qua, công ước đã và đang ngày càng phát triển, hoàn thiện và chứng tỏ là một trong những Công ước quốc tế có dấu ấn và tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hoá và thiên nhiên có giá trị toàn cầu, đúng như tinh thần mà UNESCO xác định “là những gì chúng ta kế thừa từ quá khứ, những gì đang hiện hữu trong đời sống của chúng ta và là những gì chúng ta truyền lại cho thế hệ mai sau.”

Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, với vai trò là “tổ chức trí tuệ,” “phòng thí nghiệm các ý tưởng,” UNESCO đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho Việt Nam không chỉ về tri thức, nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực để phát triển và xây dựng đất nước, mà còn có những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng các chiến lược quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

“Chuyến thăm chính thức Việt Nam của bà Tổng Giám đốc Audrey Azoulay với nhiều hoạt động có ý nghĩa, tiếp tục khẳng định giá trị và tầm quan trọng của mối quan hệ hiệu quả, thiết thực giữa Việt Nam và UNESCO. Lễ kỷ niệm lần này cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đẩy mạnh giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung,” ông Hà Kim Ngọc nói.

Ky niem 50 nam Cong uoc 1972: Viet Nam cung the gioi bao ton di san hinh anh 1Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay (phải) tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp), tháng 11/2021. (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ về lý do tổ chức sự kiện quan trọng này tại Ninh Bình, ông Ngọc cho rằng Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn của cả nhân loại, góp phần làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

“Tôi rất vui mừng và xúc động trước cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ trong khi đó, Ninh Bình đã hoàn toàn thay đổi diện mạo về kinh tế-xã hội. Đó là một minh chứng rõ ràng của thành công trong việc gắn kết giữa bảo tồn, phát huy di sản với phát triển du lịch, kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của cộng đồng người dân bản địa, mà biểu hiện rõ nét nhất là sự tham gia tích cực của bà con làm nghề chèo thuyền hay dịch vụ du lịch ở Quần thể Danh thắng Tràng An,” ông Hà Kim Ngọc chia sẻ.

Trong 35 năm tham gia Công ước 1972, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã thường xuyên và là kênh kết nối nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao nhất trong việc thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực, chuyên môn bảo tồn di sản; thúc đẩy hợp tác quốc tế và giáo dục di sản.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá các di sản thế giới tại Việt Nam đóng góp hiệu quả, tích cực vào phát triển bền vững kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm tại địa phương, cộng đồng, góp phần phát triển du lịch, thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

“Trong khuôn khổ cơ chế UNESCO nói chung và Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nói riêng, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn hoàn thành tốt, chất lượng các nghĩa vụ thành viên, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao,” ông Hùng nói./.

Ngày 16/11/1972, tại kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đến năm 2020, đã có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước này. Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Công ước từ ngày 19/10/1987, và đến nay đã có 8 di sản thế giới được UNESCO ghi danh.

 

Minh Thu (Vietnam+)