Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thông qua Luật Công chứng sửa đổi

14:02 - 27/11/2024

Luật Công chứng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng, quản lý nhà nước về công chứng.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 26/11, Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) với 450/453 đại biểu tán thành.

Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 8 chương, 76 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, quy định tiêu chí về giao dịch phải công chứng như dự thảo Luật là phù hợp vì Luật Công chứng là luật hình thức, không nên quy định cụ thể các giao dịch phải công chứng trong Luật để không trùng lặp với quy định của pháp luật chuyên ngành.

Tuy nhiên, Luật cần quy định tiêu chí chung để tránh việc mỗi văn bản pháp luật chuyên ngành xác định giao dịch phải công chứng theo các tiêu chí khác nhau, dẫn đến sự thiếu thống nhất hoặc có thể bị lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trên cơ sở tiếp thu một phần ý kiến Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý quy định tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật như sau: “Giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định hoặc luật giao Chính phủ quy định phải công chứng.”

Quy định này có ưu điểm là phù hợp với kết luận của cấp có thẩm quyền, kịp thời thực hiện chủ trương đổi mới tư duy lập pháp và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại Công thư số 15/CTQH ngày 29/10/2024.

Bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, kiểm soát chặt chẽ các giao dịch phải công chứng với việc bảo đảm tính ổn định của luật, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Giữ ổn định các quy định về giao dịch phải công chứng hiện đang quy định tại nghị định của Chính phủ, tránh tình trạng “luật hóa” quy định của nghị định, thông tư.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nội dung tại khoản 13 Điều 76 của dự thảo Luật vì hiện nay giao dịch phải công chứng đang được quy định trong cả luật, nghị định, thông tư; do đó, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ trong một thời hạn nhất định để đáp ứng tiêu chí quy định tại Luật Công chứng.

Đồng thời, bổ sung quy định chuyển tiếp đối với quy định về giao dịch phải công chứng tại nghị định được ban hành trước ngày Luật Công chứng (sửa đổi) có hiệu lực mà không được luật giao Chính phủ quy định nhưng đáp ứng các yêu cầu khác quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Công chứng (sửa đổi) và quy định về giao dịch phải công chứng tại nghị định được ban hành để xử lý kết quả rà soát theo quy định tại khoản 13 Điều 76 của Luật Công chứng (sửa đổi) thì vẫn có hiệu lực thi hành để bảo đảm tính ổn định, chặt chẽ của hệ thống pháp luật.

TTXVN_2611 Quoc hoi Luat Cong chung 2.jpg
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đối với quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục liên quan đến hoạt động công chứng, nội dung quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy để kịp thời thực hiện chủ trương đổi mới tư duy lập pháp và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại Công thư số 15/CTQH, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, xin lược bỏ các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục trong hoạt động công chứng trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu Kỳ họp thứ 8.

Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về các nội dung nêu trên theo thẩm quyền để bảo đảm linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Về ý kiến của Chính phủ đề nghị giữ lại 2 điều về quản lý nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy một số nội dung quản lý nhà nước về công chứng mà Chính phủ đề nghị giữ lại đã được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành, do đó, không nhất thiết phải quy định lại trong Luật Công chứng để tránh trùng lặp; một số nội dung quản lý nhà nước đặc thù trong hoạt động công chứng đã được thu hút về các điều cụ thể phù hợp của dự thảo Luật.

Do đó, tiếp thu một phần ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bổ sung Điều 8 quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công chứng, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật Tổ chức Chính phủ.

Như vậy, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã cắt giảm 2 chương, 3 điều và 5 khoản tại một số điều cụ thể so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu Kỳ họp thứ 8.Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc như thể hiện tại Điều 39 của dự thảo Luật.

Ngoài các vấn đề nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

Nguồn: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thông qua Luật Công chứng sửa đổi | Vietnam+ (VietnamPlus)