Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đơn thư phải giải quyết dứt điểm tại cơ sở

14:15 - 27/11/2024

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, tại phiên họp đã có 22 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, không khí thảo luận rất sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 26/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024.

Thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các đại biểu khẳng định, công tác này tiếp tục được tập trung cao độ, triển khai theo chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Lực lượng chức năng đã vượt khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, hoàn thành nhiệm vụ được giao, do đó tình hình trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, nâng cao. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là về tình hình tội phạm ma túy, tội phạm về trật tự xã hội cũng tăng, đặc biệt đã xảy ra những vụ giết người với những tình tiết man rợ, xảy ra những vụ án hết sức thương tâm.

Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả cao. Trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, số vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ tăng, xảy ra một số vụ làm nhiều người chết, bị thương.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), trước tình hình trên, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần quan tâm, đánh giá khách quan hơn nữa tình hình tội phạm có xu hướng tăng ở một số nơi, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên. “Phải chăng ở lứa tuổi tuổi này việc giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội còn nhiều hạn chế nên dễ nhiễm thói hư, tật xấu, dễ đua đòi, bỏ học sớm và thành lập hội nhóm giang hồ?”, đại biểu nêu.

Đại biểu cho rằng, cần tập trung quyết liệt tuyên truyền, giáo dục công tác phổ biến pháp luật, phòng ngừa tội phạm ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội, địa bàn nông thôn, biên giới để người dân nâng cao cảnh giác, đồng thời thiết thực nhận thức, quản lý tốt con em, người thân trong gia đình đề phòng, ngăn chặn, không tham gia, từ đó đẩy lùi có hiệu quả tình hình tội phạm trong giới trẻ, không sống đua đòi, buông thả.

Tại hội trường, các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, khắc phục triệt để những vướng mắc đang cản trở làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật, khắc phục những bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc dễ tạo điều kiện cho tham nhũng tiêu cực trong các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, thực hiện tốt hoạt động giám sát, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

Theo đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa), đơn thư ngay tại cơ sở, dù chỉ là một ý kiến nhỏ của người dân cũng phải xem xét giải quyết dứt điểm tại cơ sở, như thế sẽ hạn chế được đơn thư vượt cấp. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phải thực sự công tâm, khách quan; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân phải được bảo vệ; tiền, tài sản của Nhà nước do vi phạm thì phải được thu hồi triệt để.

Cùng với đó, “trách nhiệm sai phạm của tập thể, cá nhân phải được xem xét xử lý kịp thời, nghiêm minh, mọi vụ việc nếu được xem xét giải quyết kịp thời, tình hình sẽ ổn định, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố,” đại biểu nêu rõ.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã giải trình, làm rõ những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, tại phiên họp đã có 22 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, không khí thảo luận rất sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao.

Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật cơ bản đã phản ánh, đánh giá đầy đủ tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác của ngành Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công tác thi hành án, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri trong kỳ báo cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đồng thời, các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với những đánh giá về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, phân tích làm rõ hơn tình hình, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và xác định trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị thêm nhiều giải pháp rất cụ thể, thiết thực, sát với thực tiễn hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và tình hình thực tế trên các lĩnh vực nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác này trong thời gian tới, cả về kiến nghị hoàn thiện pháp luật, cũng như giải pháp để tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội./.

Nguồn: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đơn thư phải giải quyết dứt điểm tại cơ sở | Vietnam+ (VietnamPlus)