Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 23/10
22:34 - 18/09/2023
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV chia làm hai đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Đợt 1 kéo dài 20,5 ngày làm việc, từ 23/10 đến 16/11; đợt 2 kéo dài 4,5 ngày, từ 24/11 đến sáng 29/11.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc trong 25 ngày, khai mạc vào 23/10 và bế mạc ngày 29/11.
Kỳ họp thứ 6 chia làm hai đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Đợt 1 kéo dài 20,5 ngày làm việc, từ 23/10 đến 16/11; đợt 2 kéo dài 4,5 ngày, từ 24/11 đến sáng 29/11.
Chính phủ đề nghị bổ sung 12 nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định; trong đó có việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; việc thí điểm một số cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư; việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quy hoạch không gian biển quốc gia; việc thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 của các quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý; một số cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án đầu tư sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 và việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư; chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, con người Việt Nam...
Về chuẩn bị nội dung, ông Bùi Văn Cường cho biết, sau phiên họp tháng 9/2023, phần lớn nội dung kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trong đó tiếp tục cho ý kiến lần 2 đối với các dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các nội dung liên quan đến kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo về kiến nghị của cử tri và một số vấn đề quan trọng khác sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2023.
Do khối lượng nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp 6 rất lớn với nhiều nội dung khó, phức tạp, để bảo đảm thời gian cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung để gửi các đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định; đồng thời, tiếp tục công khai danh sách các cơ quan hữu quan chậm gửi tài liệu Kỳ họp.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc tiến hành Kỳ họp thứ 6 tập trung tại Nhà Quốc hội, theo hai đợt; đồng thời đề nghị cần bố trí thời gian thảo luận hợp lý hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, những dự án luật trình Quốc hội thông qua nên được sắp xếp thời gian trình sớm, để các cơ quan liên quan có thêm thời gian hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình, trước khi Quốc hội bấm nút thông qua.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, bố trí một buổi thảo luận Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư năm 2023; dành một ngày thảo luận về công tác tư pháp; hai ngày thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước...; tăng cường năng suất, rút ngắn thời gian kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp này tiếp tục phá kỷ lục của những kỳ họp trước đây về số lượng luật, nghị quyết, những vấn đề quan trọng trình Quốc hội. Do vậy, những nội dung cấp bách được Chính phủ đề nghị bổ sung phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để bảo đảm tiến độ, thời gian trình Quốc hội./.