Kỳ 2: Cảnh giác với những phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua nền tảng mạng xã hội

12:43 - 26/10/2022

Mạng xã hội phát triển, các đối tượng xấu thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nên chúng ta cần phải nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội để bảo vệ bản thân, người thân và cộng đồng.

lua dao qua mang xa hoi

Ảnh minh họa.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, việc sử dụng mạng xã hội làm phương thức kết nối đã và đang trở thành xu thế tất yếu.

Với những tính năng vượt trội, mạng xã hội đã góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống nhưng cũng mang đến không ít những điều phiền toái.

Như “con dao hai lưỡi” mạng xã hội có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cũng có thể hủy hoại con người, gây ảnh hưởng xã hội tiêu cực nếu không sử dụng đúng cách.

Đặc biệt, như hiện nay tội phạm công nghệ cao sử dụng nền tảng mạng xã hội nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Người sử dụng mạng xã hội cần phải nâng cao cảnh giác, đấu tranh phòng ngừa với những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường hay sử dụng.

Những thông số thống kê “biết nói” nên cần nâng cao cảnh giác

Thông tin trên Báo Công lý, số vụ lừa đảo trực tuyến trên toàn cầu trong năm 2021 là 266 triệu vụ, tăng 90%.

Người tiêu dùng toàn cầu mất khoảng 50 tỷ USD cho những kẻ lừa đảo trong năm ngoái. Tuy vậy, báo cáo đánh giá đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi có khoảng 7% nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến trình báo với chính quyền.

Đáng chú ý, theo Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA), Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao.

Số vụ lừa đảo tại Việt Nam hiện là 87.000 vụ lừa đảo được ghi nhận. GASA cũng ghi nhận người dùng mạng Việt Nam thiệt hại 374 triệu USD trong năm 2021.

Tương đương khoản thiệt hại 4.200 USD mỗi vụ lừa đảo và 3.8 USD nếu tính trên đầu người. Báo cáo của GASA sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi 2 dự án Chống lừa đảo, ScamVN và công ty bảo mật Group-IB.

Thời gian qua đã ghi nhận nhiều người Việt Nam bị "sập bẫy" hình thức lừa đảo giả mạo các thương hiệu như Tiki, Shopee, Lazada để tuyển cộng tác viên, gần đây nhất là thủ đoạn lấy cắp tài khoản Telegram bằng một số cách phi kỹ thuật (social engineering), dụ dỗ chụp ảnh màn hình khiến nạn nhân bị mất mã xác thực đăng nhập (OTP), dẫn đến tài khoản bị chiếm đoạt.

Một số phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng xấu sử dụng

Thứ nhất, đối tượng chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo…) của người bị hại, sau đó nhắn tin đến danh sách bạn bè vay tiền (hoặc nhờ chuyển tiền hộ) dưới hình thức chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp để chiếm đoạt.

Thứ 2, sử dụng mạng xã hội kết bạn, các đối tượng là người nước ngoài đóng giả thành người có nhiều tiền và địa vị trong xã hội đưa các hình ảnh giới thiệu là đang sinh sống tại nước ngoài rồi ngỏ ý làm quen, kết bạn với nhiều phụ nữ Việt Nam trên các trang mạng xã hội. Sau đó đối tượng hứa hẹn chuyện tình cảm và ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn như tiền, vàng.

Khi bị hại đã “cắn câu” đồng bọn là người Việt Nam đóng giả nhân viên giao nhận, hải quan, thuế vụ, thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị và yêu cầu phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót.

Sau đó các đối tượng giả danh này cung cấp cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng để nộp tiền và chúng rút ra để chiếm đoạt.

Thứ 3, đối tượng giả danh nhân viên các công ty bán hàng qua mạng internet (Tiki, Shopee …) đăng bài tuyển cộng tác viên trên Facebook, người có nhu cầu sẽ kết bạn Facebook với các đối tượng và được tư vấn phương thức làm nhiệm vụ là đặt mua các đơn hàng và hưởng từ 10 – 12% giá trị đơn hàng.

Sau khi người bị hại thực hiện 1 -2 nhiệm vụ với những đơn hàng giá trị thấp, các đối tượng sẽ hoàn tiền vào tài khoản ngân hàng của người bị hại để làm tin.

Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân thực hiện mua các đơn hàng có giá trị cao hơn và bắt lỗi nạn nhân để yêu cầu thực hiện nhiều đơn hàng và chiếm đoạt số tiền của nạn nhân.

Thứ 4, đối tượng sử dụng thủ đoạn cho vay tiền qua APP (vay tiền online): Lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) chạy quảng cáo để tiếp cận bị hại.

Sau khi tiếp cận được nạn nhân, các đối tượng sẽ gửi các đường link kết nối với CH Play (để tải ứng dụng cài đặt về điện thoại) để người bị hại cài đặt ứng dụng vào điện thoại và làm theo hướng dẫn.

Sau đó, khi người bị hại đăng nhập để vay tiền thì app sẽ báo lỗi, các đối tượng yêu cầu người bị hại phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại App thì mới giải ngân được hoặc các đối tượng yêu cầu nạn nhân mua bảo hiểm khoản vay, đóng phí giải ngân…

Nhiều người bị hại thực hiện chuyển tiền nhiều lần để được vay cho đến khi nghi ngờ bị lừa không chuyển thì các đối tượng lừa đảo thông báo nếu không chuyển nữa thì không lấy lại được số tiền đã chuyển và chiếm đoạt số tiền này của bị hại.

Thứ 5, các đối tượng đăng tin, bài trên các trang mạng xã hội về việc thuê mở hoặc thu mua tài khoản ngân hàng. Số tài khoản ngân hàng sau khi thu mua được chuyển qua nhiều đối tượng trung gian sau đó chuyển ra nước ngoài để các đối tượng sử dụng thực hiện nhận tiền chiếm đoạt của bị hại, sau đó chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Việc mở tài khoản ngân hàng sau đó bán lại và hành vi thu mua tài khoản ngân hàng để bán cho các đối tượng sử dụng thực hiện tội phạm là hành vi tiếp tay, giúp sức tạo ra công cụ, phương tiện để các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân.

Đồng thời gây khó khăn cho công tác điều tra, truy xét đối tượng phạm tội. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo quy định của Bộ luật hình sự.

Cần cảnh giác giác đối với những phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

Với những phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên, mọi người cần phải nâng cao cảnh giác.

Đặc biệt là nâng cao bảo mật với tài khoản mạng xã hội bằng cách xác minh nhiều bước. Khi bạn bè, người thân nhắn tin vay tiền cần phải gọi điện lại xác nhận chính xác mới chuyển tiền.

Ngoài ra, Cảnh giác với các số điện thoại lạ, số giả gọi đến yêu cầu xác minh thu thập thông tin tài khoản ngân hàng (Số điện thoại thường có dấu (+) ở đầu số).

Cảnh giác với các trang web, facebook giả mạo các sàn thương mại điện tử như: Tiki.vn; Lazada, TokyoLife, Shopee... tuyển nhân viên làm cộng tác viên và gửi thông tin cá nhân kết bạn Zalo để tư vấn bỏ tiền ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3 - 20%.

Tuyệt đối không cung cấp cho các đối tượng thông tin về tài sản cá nhân, tiền mặt hiện có và tài khoản ngân hàng.  

Không công khai các thông tin cá nhân như ngày sinh, số CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng lên các mạng xã hội. Cảnh giác khi kết bạn với những người lạ trên các mạng xã hội, đặc biệt là những người mới quen hứa hẹn tặng những món quà đắt tiền.

Cảnh giác với những trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng ... lưu ý chỉ đăng nhập thông tin, tài khoản ngân hàng, trên các Website chính thức của ngân hàng có uy tín.

Không cung cấp mã OTP (mã bảo mật gửi đến số điện thoại di động đăng ký tài khoản tại ngân hàng) do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại của người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển hộ tiền cần gọi điện thoại trực tiếp xác nhận thông tin với người nhờ.

Không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác đồng thời cũng tuyên truyền cho người thân trong gia đình, những người xung quanh không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác.

Hãy nâng cao nhận thức, cảnh giác với những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua nền tảng mạng xã hội để bảo vệ tài sản bản thân, người thân và cộng đồng trên môi trường mạng xã hội.