Kinh te Viet Nam chu dong 'nhap cuoc' nhu the nao trong nam 2023? hinh anh 1Bốc xếp hàng container tại cảng Tiên Sa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Năm 2023 được dự đoán là năm tiếp tục khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Nhận diện thách thức này, việc triển khai nhanh chóng Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 và đưa ra các kế hoạch hành động cho năm 2023 của các bộ ngành, địa phương đóng vai trò rất quan trọng.

Để cùng tìm hiểu về những nội dung chủ đạo của Nghị quyết 01 và các giải pháp để thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2023, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội.

- Mặc dù được nhận định là năm sẽ có nhiều thách thức, nhưng ngay từ tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã có những kết quả tích cực. Ông đánh giá như thế nào về sự "nhập cuộc" của kinh tế Việt Nam ngay trong tháng đầu năm nay?

Ông Phan Đức Hiếu: Nói về sự nhập cuộc của kinh tế Việt Nam 2023 cũng có điểm lưu ý là tháng Một rơi vào thời điểm có kỳ nghỉ Tết nguyên đán nên ít nhiều kinh tế bị chững lại và cũng bộc lộ rõ hơn tình hình khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, có điểm đáng lưu ý đó là sự tích cực, chủ động nhập cuộc của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

[Chuyên gia kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam trở lại đúng tiềm năng]

 

Ngay từ đầu năm không kể là dịp Tết hay không Tết, chúng ta đã thấy Chính phủ rất quyết liệt trong việc ban hành các văn bản điều hành nền kinh tế, như Nghị quyết 01 và các chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng cũng thường xuyên giao ban để đôn đốc thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội ngay từ đầu năm.

Ngoài ra, Thủ tướng còn đến trực tiếp các công trình trọng điểm thúc đẩy tiến độ… Điều này thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực hành động của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế.

- Các doanh nghiệp hiện đang rất quan tâm về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ trong năm nay. Ông có thể nói rõ hơn về các nội dung liên quan?

Ông Phan Đức Hiếu: Nghị quyết 01 là nghị quyết thường kỳ hằng năm để triển khai các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của năm. Năm 2023, cách tiếp cận cũng có thay đổi khi Chính phủ ghép Nghị quyết 02 vào Nghị quyết 01.

Trong Nghị quyết 01 chúng ta thấy nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp đều nằm trong các nhóm giải pháp. Hầu như nhóm giải pháp nào trong Nghị quyết 01 cũng có nội dung này.

Ví dụ như nhóm giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô; rõ ràng đây là nền tảng quan trọng như điều tiết cung tiền, kiểm soát lạm phát, tín dụng nhưng đều hỗ trợ và tác động rất nhiều đến doanh nghiệp.

Hay nhóm giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế cơ cấu lại các ngành hay cơ cấu lại nguồn lao động; nhóm giải pháp về kiểm soát dịch bệnh… cũng đều có tác động đến đời sống cụ thể của doanh nghiệp.

Đặc biệt là nhóm giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao nâng lực cạnh tranh.  Đây là các giải pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc cắt giảm các thủ tục kinh doanh sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

- Thưa ông Phan Đức Hiếu, như ở phần đầu chúng ta đã đề cập, Nghị quyết 01 năm nay có sự lồng ghép với các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Vậy ông đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam sau 2 năm chịu tác động mạnh từ dịch COVID-19? Và ông có đề xuất giải pháp gì để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Phan Đức Hiếu: Hai năm vừa qua chúng ta dành nhiều thời gian cho phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế nên việc cải thiện môi trường kinh doanh đâu đó chưa được hiệu quả.

Có hai nhóm công việc là các chương trình cải cách như cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm các quy định về kiểm tra chuyên ngành và các chương trình sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách văn bản mới luật.

Tôi thấy dường như hai năm vừa qua việc kết nối hai nhóm công việc này chưa thực sự hiệu quả. Đôi khi việc cải cách thủ tục được cắt giảm trong chương trình cải cách thể chế nhưng đến khi ban hành các văn bản, chính sách mới đâu đó lại có các điều kiện kinh doanh xuất hiện ngược trở lại.

Kinh te Viet Nam chu dong 'nhap cuoc' nhu the nao trong nam 2023? hinh anh 2Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, tôi cũng nhấn mạnh đến câu chuyện thực thi các cải cách như thế nào. Các bộ ngành, địa phương nên ưu tiên và hoàn thành sớm việc thực thi các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, các cấp chính quyền cũng nên bám sát diễn biến thực tế của đời sống và những khó khăn của doanh nghiệp từ đó có các giải pháp cho hợp lý.

- Năm 2023 vẫn còn nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài đối với kinh tế. Ông có dự báo gì về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cho năm 2023 theo mục tiêu Quốc hội đã đặt ra?

Ông Phan Đức Hiếu: Trong bối cảnh nhiều khó khăn, tôi tin rằng nền kinh tế sẽ đạt được mục tiêu đề ra nhưng tôi cho rằng cần có điều kiện. Nếu như chúng ta cứ ngồi đợi thì sẽ không ghi nhận kết quả tích cực được. Kinh tế Việt Nam có những khó khăn thách thức từ khách quan nhưng cũng có những vấn đề từ nội tại nên cần đặt ưu tiên và có hành động quyết liệt ngay từ đầu năm để khắc phục các khó khăn thách thức đó.

Tôi cho rằng chỉ quyết tâm không thì chưa đủ mà quyết tâm đó phải biến thành hành động và từ hành động đó mới ra được kết quả như mong muốn.

- Xin cảm ơn ông./.

Quốc Huy (TTXVN/Vietnam+)