Nhấn mạnh việc xử lý chất thải rắn hiện nay vẫn còn khá nhiều hạn chế (trong đó có khoảng 10% lượng chất thải nguy hại vẫn chưa được thu gom, xử lý), Phó Viện trưởng Viện chính sách, Tài nguyên và Môi trường Mai Thanh Dung cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, sau khi được phê duyệt, sẽ tiến hành triển khai thực hiện tại các địa phương.
Ưu tiên hàng đầu
Thông tin thêm tại Hội thảo “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và thực thi” do Viện chính sách, Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 12/7 tại tỉnh Quảng Ninh, Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung cho biết theo thống kê do cơ quan này thực hiện, năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày.
Nghiên cứu của viện này cũng cho thấy tại khu vực thành thị vẫn còn khoảng 5-10% chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom, còn ở các vùng nông thôn khoảng 30-45%. Đáng chú ý là hiện nay còn khoảng 10% lượng chất thải nguy hại hàng ngày vẫn chưa được thu gom, xử lý.
Trước thực tế trên, Việt Nam đã xác định quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn, 98% đối với chất thải nguy hại.
Ông Dung cũng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, sau khi được phê duyệt, bộ này sẽ tiến hành triển khai thực hiện tại các địa phương.
"Phát triển kinh tế tuần hoàn là sáng kiến nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế, được xem là một trong các phương thức giúp giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; là con đường tiến tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người," ông Dung nhấn mạnh.
Dẫn câu chuyện về sự cần thiết của việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở tỉnh Quảng Ninh - mảnh đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ,” ông Dung cho biết đây là một cực tăng trưởng quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là khu vực động lực trong vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Vì thế công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh này đã và đang rất được quan tâm, đặc biệt tại các điểm đến nổi tiếng như di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển
Về phía địa phương, ông Đoàn Duy Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh, cho biết địa phương này có danh thắng Yên Tử - Trung tâm phật giáo Việt Nam, có kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, có trung tâm logistics... là cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều cửa khẩu biên giới, hệ thống cảng biển thuận tiện, có điều kiện giao thương thuận lợi với các nước.
Với tiềm năng, lợi thế trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030” đã xác định mục tiêu tỉnh Quảng Ninh sẽ trở thành điển hình trong thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, một trong các nhiệm vụ tỉnh Quảng Ninh đã xác định là ưu tiên thực hiện là sớm xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; coi chất thải là tài nguyên, thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại hội thảo, đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp trong quản lý chất thải rắn như: Giải pháp thu hồi vật liệu từ các chất tái chế tại các cơ sở tái chế vật liệu và giải pháp đốt rác phát điện; công tác quản lý chất thải rắn tại Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh; mô hình carbon hóa không dùng năng lượng hướng tới phục hồi tài nguyên…
Ông Lê Anh Vũ - đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation Việt Nam cho rằng để chuyển đổi tuần hoàn, việc quản lý chất thải rắn là rất quan trọng.
"Theo đó, thay vì tiêu hủy, xử lý chất thải thì có thể áp dụng những phương pháp mang tính tuần hoàn. Trong đó, các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải được coi là những biện pháp hữu hiệu để giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, giảm các nguy cơ về môi trường," ông Lê Anh Vũ nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thăm quan mô hình phân loại chất thải rắn, thu gom rác nổi tại Vịnh Hạ Long; mô hình giảm nhựa sử dụng một lần; mô hình Ngân hàng rác - Đổi rác lấy tiền và giải pháp đồng xử lý chất thải rắn trong lò nung clinker ximăng của Công ty Cổ phần Ximăng và Xây dựng Quảng Ninh./.
Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho kinh tế tuần hoàn.
Dự thảo kế hoạch xác định mục tiêu hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; phát triển mạnh các mô hình sản xuất, kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn, gắn với thực hành tốt, tạo dựng văn hóa bền vững trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất.
Dự thảo kế hoạch cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân người dân (kg/người/ngày) giảm dần theo các năm; tỷ lệ rác thải hữu cơ được tái chế, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn đến năm 2030 đạt 100% ở đô thị, 70% ở nông thôn; tỷ lệ rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 đạt trên 70%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm 10-15% so với năm 2020…