Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam

15:05 - 14/05/2024

Chiều nay (13/5), Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết dự án những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng dự thảo Luật Đường sắt 2017 (sửa đổi).

Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam- Ảnh 1.
Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam- Ảnh 2.
Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam- Ảnh 3.

Quang cảnh hội thảo

Xây dựng chính sách tốt, đột phá phát triển đường sắt 

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan chủ trì tham mưu cho Bộ GTVT thực hiện theo đúng quy định. Bộ GTVT đã nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ, các ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và đang chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ. Dự kiến dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2026.

Dự án "Những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ Cục ĐSVN xây dựng dự thảo Luật Đường sắt 2017 sửa đổi" là một hợp phần trong Chương trình Aus4Transport do Bộ Ngoại giao và Thương mại của Chính phủ Australia hỗ trợ cho Bộ GTVT Việt Nam.

Dự án có các mục tiêu hỗ trợ Cục Đường sắt Việt Nam và Bộ GTVT: Tích cực sử dụng các thông lệ tốt quốc tế để soạn thảo Luật Đường sắt (sửa đổi); Nâng cao năng lực xây dựng thể chế, quy định pháp luật; Chủ động định hướng, thiết lập các mốc chuyển dịch sang năng lượng xanh trong lĩnh vực đường sắt.

Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam- Ảnh 4.

Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Về phạm vi của hoạt động, dự án khảo sát và nghiên cứu thực trạng ở Việt Nam, các thông lệ quốc tế tốt và đưa ra các khuyến nghị đối với chính sách về: Đường sắt tốc độ cao; Mô hình phát triển đường sắt đô thị và mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (Transit-oriented Development - TOD) cho đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia đi qua đô thị; Thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành đường sắt và quản lý an toàn phương tiện đường sắt…

"Kết quả của dự án là cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế để Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan được giao chủ trì xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) nghiên cứu chuyển tải thành các quy định trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt", ông Cảnh cho biết.

Cũng theo người đứng đầu Cục Đường sắt Việt Nam, dự án được triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã đạt được kết quả rất đáng trân trọng. Tháng 1/2024, dự án chính thức khởi động. Trong tháng 2 và tháng 3, dự án tổ chức khảo sát, tham vấn tại các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực đường sắt của Việt Nam và tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc. Tháng 4 vừa qua đã diễn ra các hội thảo chuyên đề, gồm: Đường sắt tốc độ cao; Mô hình phát triển đường sắt đô thị và mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) cho đường sắt đô thị; Thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành đường sắt và quản lý an toàn phương tiện đường sắt.

Cũng thời gian này dự án tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại Pháp. Cuối tháng 4 và đầu tháng 5 thực hiện tổng hợp ý kiến và hoàn thiện báo cáo chuyên đề. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành.

Trong thời gian tới, dự án xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của Cục Đường sắt Việt Nam, đặc biệt xây dựng chính sách tốt, đột phá nhằm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực đường sắt phù hợp với sự phát triển của KT-XH và yêu cầu quản lý Nhà nước.

Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam- Ảnh 5.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, TP. Hà Nội

Khuyến nghị "luật hóa" nguồn lực phát triển đường sắt

Tại hội thảo, các chuyên gia dự án, các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực đường sắt đã có nhiều ý kiến góp ý và bày tỏ sự nhất trí cao, qua đó đưa ra các khuyến nghị về các nội dung như: Đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, quản lý an toàn đường sắt… Đây là những khuyến nghị tốt để Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu, học tập và vận dụng trong quá trình xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi).

Ông Richard Bullock, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực đường sắt cho biết, với mục tiêu vận tải hành khách, đường sắt đô thị trên thế giới hầu như không tạo ra lợi nhuận, bởi chi phí đầu tư, vận hành và bảo trì rất lớn, hầu hết đều từ nguồn ngân sách Nhà nước, hoặc được Nhà nước trợ giá lớn.

Theo ông Richard Bullock, Việt Nam nên điều chỉnh, bổ sung quy định trong dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) về đầu tư đường sắt đô thị bao gồm: Quy định về vai trò của Nhà nước và chính quyền địa phương trong đầu tư đường sắt đô thị; Quy định về hỗ trợ của ngân sách trung ương cho đầu tư đường sắt đô thị bao gồm mức hỗ trợ tối đa. Đồng thời cần rà soát các quy định hiện hành về đầu tư để đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai cơ chế khuyến khích phát triển đường sắt.

Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam- Ảnh 6.
Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam- Ảnh 7.
Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam- Ảnh 8.
Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam- Ảnh 9.
Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam- Ảnh 10.

Một số hình ảnh tại hội thảo

Chủ trì phiên thảo luận, ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cố vấn cao cấp của dự án nhìn nhận, việc huy động nguồn lực cho phát triển đường sắt đô thị sẽ cần huy động vốn của địa phương và cũng cần sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, bởi nếu chỉ sử dụng nguồn lực của các địa phương, việc phát triển đường sắt đô thị sẽ là điều rất khó.

Liên quan tới đầu tư đường sắt tốc độ cao, chuyên gia Martin Baggott cho biết, trên thế giới, hầu hết các dự án đường sắt tốc độ cao đều được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Các tuyến được đầu tư bằng hình thức PPP rất ít và phần lớn đều chưa thành công, vẫn cần sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng chỉ đầu tư vào các tuyến có khả năng sinh lời cao.

Dẫn chứng kinh nghiệm ở Nhật Bản và Trung Quốc, ông Martin Baggott cho biết, nhiều dự án đường sắt tốc độ cao tại hai quốc gia này được triển khai hiệu quả với nguồn vốn đầu tư công kết hợp với ngân sách địa phương. Trên thực tế, cả hai quốc gia này đều "luật hóa" vai trò đóng góp nguồn vốn nhà nước và nguồn vốn của địa phương tại mỗi dự án đường sắt tốc độ cao.

Từ đó, ông Martin Baggott khuyến nghị Việt Nam nên đề xuất, rà soát, bổ sung tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) quy định vai trò trong huy động nguồn lực của trung ương và địa phương trong việc đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao.

Nguồn: Kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển đường sắt Việt Nam | Tạp chí Giao thông vận tải (tapchigiaothong.vn)