Ngày 8/4 tại kênh Chắc Kha (ấp Bình Lợi, xã Minh Hòa), Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang), tổ chức Giải đua ghe ngo mừng Tết cổ truyền đồng bào dân tộc Khmer Chôl Chnăm Thmây năm 2023 (diễn ra từ ngày 14-16/4).
Ông Tân Thành Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành, cho biết đua ghe ngo là một nét văn hóa đặc trưng truyền thống của đồng bào Khmer trong tỉnh nói chung, huyện Châu Thành nói riêng.
Đây là môn thể thao đặc biệt, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Năm nay, cuộc thi có sự tham dự của 25 đội đua, với 250 vận động viên đến từ các xã, thị trấn trong huyện.
Ngoài cuộc đua ghe ngo, ủy ban nhân dân huyện còn kết hợp với Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức các trò chơi dân gian (nhảy bao bố, đạp bong bóng, kéo co, chuyền chanh và bánh xe đoàn kết) tại Trung tâm hành chính xã Minh Hòa cho các đoàn viên, thanh niên, người dân trong huyện, du học sinh Campuchia đang theo học tại Trường Đại học Kiên Giang tham gia.
[Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây - Lễ hội lớn nhất của đồng bào Khmer]
Cùng ngày, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang tổ chức đoàn y, bác sỹ khám bệnh, cấp phát thuốc, cắt tóc miễn phí, tặng quà hộ nghèo và tiệc chay miễn phí cho nhân dân xã Minh Hòa.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành Tân Thành Huy, các hoạt động mừng Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer góp phần tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đồng thời, các bên liên quan cũng được nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Chôl Chnăm Thmây là Tết cổ truyền của người Khmer Nam Bộ, trong tiếng Khmer, “Chôl Chnăm Thmây” có nghĩa là “Mừng năm mới.”
Ngày Tết này của đồng bào Khmer diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch hàng năm. Lúc này đồng bào dù đi đâu xa hoặc bận công việc làm ăn thì cũng đều về nhà, phum sóc để sum họp gia đình, đến chùa lễ Phật cầu an.
Những ngày này, mọi người đến nhà nhau thăm hỏi sức khỏe, chúc nhau gặp nhiều may mắn. Mỗi gia đình đều dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, trang trí đẹp mắt. Người người mua sắm lễ vật, nhang đèn và hoa quả, mâm lễ đưa vào chùa để làm lễ đón năm mới.
Người dân còn tổ chức nhiều cuộc vui văn nghệ với điệu dù kê, rô băm, múa lâm thôn… vui nhộn và đầm ấm tại các sân chùa./.