Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm đã ảnh hưởng tới sức tiêu thụ hàng hóa, cộng với lạm phát gia tăng khiến đơn hàng của nhiều doanh nghiệp sụt giảm.
Chính vì vậy, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa ngay tại thị trường nội địa được thành phố Hà Nội triển khai là một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất-kinh doanh, giúp người tiêu dùng giảm bớt gánh nặng chi tiêu, tạo đà cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Thương mại từng bước hồi phục
Theo đánh giá chung, trong nửa đầu năm 2023, mặc dù doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu, Mỹ đều tăng chậm, nhưng thị trường trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực.
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, đến hết tháng 6/2023, khu vực thương mại, dịch vụ duy trì đà tăng trưởng tích cực, tiếp tục là điểm sáng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của thành phố.
[Thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng: Triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng]
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 369.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2022 tăng 16,5%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 235,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng mức và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đang đặt kỳ vọng lớn vào thị trường tiêu thụ nội địa trong năm 2023.
Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp.
Hiện, May 10 đang tập trung vào định vị sản phẩm, thị trường và quản trị công nghệ cũng như mô hình sản xuất để có hướng đi phù hợp, đồng thời, đẩy mạnh việc tái cấu trúc, chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn và phát triển.
Còn theo ông Nguyễn Duy Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Minh Dương, là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại bún, miến khô xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, châu Âu... trong thời gian dịch dịch COVID-19, xuất khẩu gặp khó khăn nên doanh nghiệp chuyển sang chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường trong nước.
“Dự kiến trong năm 2023 doanh nghiệp sẽ cung ứng cho thị trường nội địa 500.000 tấn bún, miến khô các loại,” đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Thực tế cho thấy, thị trường nội địa luôn là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đang vận động các đơn vị bán lẻ chia sẻ chiết khấu và chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán. Thông qua hoạt động này, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá hàng hóa nhằm kích thích tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã và đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình xúc tiến thương mại.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong nhiều năm qua, việc triển khai các hoạt động kích cầu đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại kéo dài hơn, giảm giá sâu hơn, nhất là vào những tháng thấp điểm tiêu dùng để kích cầu thị trường.
Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đã nhận được 21.000 chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Mặt khác, từ đầu tháng 7, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng cũng được xem là trợ lực tốt cho tăng trưởng tiêu dùng nửa cuối năm.
“Khi giảm thuế thì các doanh nghiệp sẽ phải rà soát, tính lại giá thành của sản phẩm, cùng với các đơn vị bán lẻ đưa ra chính sách giá phù hợp nhất, kích thích mua sắm từ người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng phục hồi,” bà Trần Thị Phương Lan nhận định.
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đặt ra, từ nay đến cuối năm, thành phố Hà Nội sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trực tiếp đến từng dự án, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành trung ương kịp thời giải quyết vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư (nhất là các lĩnh vực về xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, chợ, lĩnh vực năng lượng…).
Cùng với đó là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục xu hướng tăng chậm lại của sản xuất công nghiệp, nâng cao sức mua hàng hóa và dịch vụ, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa; tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cụ thể hơn là chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh lưu thông các sản phẩm hàng hóa của Hà Nội, nhất là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); thúc đẩy liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo dạy nghề và với các địa phương...
Thành phố Hà Nội cũng giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã chủ động nắm tình hình và tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.
Nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 8-9%, về phía Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước, thực hiện biện pháp cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Đặc biệt là Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia được tổ chức vào ngày 4/12 nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời, quảng bá sản phẩm, văn hóa vùng miền của Việt Nam và thu hút du lịch./.