Không tai nạn: “Món quà” Tết ý nghĩa nhất với người dân

18:50 - 10/02/2021

Tạp chí GTVT - Năm 2020 là một năm đặc biệt với những kỷ lục kéo giảm TNGT mạnh nhất trong 10 năm qua. Thành quả này là lời khẳng định rõ nét cho quyết tâm, sức mạnh và hiệu quả của toàn hệ thống chính trị. Trong những ngày đầu năm mới, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chia sẻ với Tạp chí GTVT xung quanh câu chuyện giảm thiểu TNGT.

TVU09894
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Một trong những thông điệp được Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình gửi gắm trong những ngày đầu năm là giảm thiểu TNGT - “món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với mọi người dân”. Xin ông chia sẻ rõ hơn về thông điệp này?

Đây là một thông điệp rất gần gũi và thiết thực, được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gửi gắm tại Lễ phát động ra quân Năm ATGT 2021 cùng đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân năm 2021. Ngăn ngừa, không để TNGT và thương vong xảy ra chính là “món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với mọi người dân”. Đây là một thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bởi nó giữ trọn niềm hạnh phúc cho người dân và gia đình của họ, không chỉ cho những ngày Tết đoàn viên mà còn cả tương lai phía trước.

Ủy ban ATGT Quốc gia chọn chủ đề Năm ATGT 2021 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT và hoạt động thực thi pháp luật; phấn đấu tiếp tục kéo giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết và bị thương do TNGT so với năm 2020..., đồng thời chú trọng nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Để cụ thể hóa quyết tâm đó, ngay từ rất sớm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện chỉ đạo toàn diện công tác đảm bảo trật tự ATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân. Đồng thời, cả nước đồng loạt ra quân Năm ATGT 2021 và tổ chức đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội xuân. Hoạt động này cho thấy quyết tâm bền bỉ và cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị thực hiện cho được mục tiêu kéo giảm TNGT một cách bền vững.

Tết Nguyên đán Tân Sửu đang tới gần, một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng được Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT chú trọng hàng đầu là không được để bất cứ ai thiếu xe về quê ăn Tết, đảm bảo đủ xe, đủ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu tất cả doanh nghiệp vận tải phải đảm bảo an toàn tối đa, phục vụ bà con với chất lượng tốt nhất. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kêu gọi người dân kiên quyết không lên xe đã đủ chỗ ngồi. Nếu thấy xe chở quá số người quy định, vi phạm pháp luật, hãy gọi ngay cho cơ quan chức năng thông qua đường dây nóng ATGT.

Kết quả kéo giảm TNGT trong năm qua được đánh giá là một thành tựu lớn, là một kỳ tích với những kỷ lục được thiết lập.

Lần đầu số người chết do TNGT giảm xuống mức dưới 7.000

Trong 5 năm 2016 - 2020, toàn quốc xảy ra 94.024 vụ, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người; so với cùng kỳ 5 năm trước, giảm 70.085 vụ (-42,71%), giảm 9.372 người chết (-19,01%), giảm 90.628 người bị thương (-53,91%).Riêng trong năm 2020, toàn quốc xảy ra 14.510 vụ TNGT, làm chết 6.700 người, bị thương 10.804 người; so với cùng kỳ năm 2019, số vụ TNGT giảm 3.111 vụ (-17,66%), số người chết giảm 924 người (-12,12%), số người bị thương giảm 2.820 người (-20,7%). Đây là mức giảm TNGT sâu nhất trong vòng 10 năm qua.

Bước sang năm mới, diễn biến trật tự ATGT được dự báo như thế nào, thưa ông?

Chúng ta đều biết, kéo giảm TNGT đã khó và để kéo giảm TNGT một cách bền vững lại càng khó hơn. Dự báo trong năm 2021, thách thức lớn nhất trong công tác đảm bảo trật tự ATGT là khi phục hồi kinh tế hậu Covid-19, nhịp phát triển kinh tế - xã hội sẽ quay trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo những áp lực ngày càng gia tăng đối với trật tự ATGT.

Đặc biệt, nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế được áp dụng, bao gồm giảm thuế đối với phương tiện cơ giới đường bộ giúp giá thành của ô tô giảm, người sở hữu ô tô tăng lên. Việc tăng số lượng phương tiện ô tô sẽ là một thách thức lớn nhất về ATGT và UTGT. Mặt khác, việc phục hồi du lịch đồng nghĩa gia tăng nhu cầu đi lại, gia tăng vi phạm pháp luật trật tự ATGT, nhất là vi phạm về nồng độ cồn. Đây là hai thách thức lớn nhất được dự báo trong năm nay.

Sự thay đổi trong văn hóa sử dụng rượu, bia trong năm qua cũng phần nào phản ánh rõ nét thành tựu mới trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, ông đánh giá như thế nào về điểm nhấn này?

Năm 2020 là năm đầu tiên chúng ta đưa Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vào đời sống và Nghị định 100/2019/NĐ-CP với những điều chỉnh toàn diện về chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về ATGT, nhất là vi phạm nồng độ cồn.

TVU04588
 

Cần phải khẳng định rằng, quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn trong máu và hơi thở khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không phải là vấn đề mới mà đã được thực hiện nhiều năm. Điểm mới và quan trọng nhất trong Luật mới và Nghị định 100 đó là “tuyệt đối không có cồn” khi điều khiển phương tiện và chế tài xử phạt rất nặng ngay từ mức vi phạm thấp nhất. Đồng thời, chế tài xử phạt ở một số hành vi vi phạm bị cấm khác cũng được điều chỉnh tăng theo quan điểm tương tự. Đây chính là yếu tố quyết định để tăng tính răn đe và hiệu lực cảnh báo của chế tài. Như Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định, việc ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 chính là một trong những “điểm sáng” trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật trong nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Nhìn lại năm 2020, ly bia, chén rượu vẫn là chất men nồng gắn kết từ những bữa ăn gia đình, những lần bạn bè gặp gỡ, rồi đám giỗ, tiệc cưới... đến những yến tiệc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước chiêu đãi bè bạn năm châu. Tuy nhiên, người dân Việt đã dần hình thành một thói quen mới, đó là “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Chúng ta gặp nhiều hơn những bàn tiệc mà mọi người đều đi taxi hay xe ôm; những bàn tiệc chung vui bằng nước suối vì khi ra về phải lái xe nhưng mọi người đều vui vẻ, đầm ấm...

Nhận thức mới, thói quen mới đã dần lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội, tạo ra động lực để hình thành những thói quen mới, văn minh, trách nhiệm hơn, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn tại Việt Nam. “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế là hành động tốt nhất để giữ được niềm vui Tết trọn vẹn, giữ niềm hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn xã hội, từ đó hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, đây cũng là “món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với mọi người dân”.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

http://www.phapluatgiaothong.vn/khong-tai-nan-mon-qua-tet-y-nghia-nhat-voi-nguoi-dan-d89912.html