Khong co doanh nghiep phat hanh trai phieu trong thang dau nam hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Trần Việt/TTXVN)

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 31/1/2023, chưa có đợt phát hành nào trong năm 2023.

Các đợt phát hành được công bố trong tháng 1/2023 hầu hết đều được phát hành vào tháng 12/2022.

Trong các đợt phát hành này, nhóm Ngân hàng chiếm đa số với 3.269,5 tỷ phát hành trái phiếu riêng lẻ và 10.637,8 tỷ đồng phát hành ra công chúng. Trong 3 đợt phát hành còn lại đến từ nhóm các công ty chứng khoán và bất động sản, chỉ chiếm khoảng 3%.

Thực tế cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn trầm lắng nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể trong tháng 1/2022, có tới 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 16 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổng giá trị phát hành lên tới 29.280 tỷ đồng.

[Năm 2023 sẽ đấu thầu 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ]

Theo VBMA, trong tháng Một, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.068 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

 

Về kế hoạch phát hành sắp tới, VBMA cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) đã công bố phương án chào bán ra công chúng 1.500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm trong tháng Một và tháng Hai năm 2023, kỳ hạn 60 tháng với mức lãi suất cố định 9,5% trong 2 kỳ tính lãi đầu tiên và lãi suất thả nổi là lãi suất tham chiếu + 3,975%/năm trong các kỳ tính lãi còn lại.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (mã chứng khoán: BAB) cũng công bố kế hoạch chào bán ra công chúng đợt 2 hơn 2.564 tỷ đồng trong tháng Một và tháng Hai năm 2023, kỳ hạn 7 và 8 năm với mức lãi suất thả nổi lần lượt là lãi suất tham chiếu + 1,1%/năm, lãi suất tham chiếu + 1,3%/năm và lãi suất tham chiếu + 1,5%/năm./.

Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)