Khởi công dự án nâng cao tĩnh không 11 cầu khu vực phía Nam
17:31 - 06/01/2024
Bộ GTVT triển khai thi công nâng cao tĩnh không 11 cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa phía Nam để khơi thông và phát triển mạng lưới vận tải thuỷ cho khu vực.
Ngày 6/1, Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức lễ triển khai thi công dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).
Dự án được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1641/QĐ-BGTVT ngày 14/12/2022. Dự án có tổng mức đầu tư 2.55,9 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách nhà nước. Bộ GTVT giao Ban Quản lý các dự án đường thủy làm chủ đầu tư dự án. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành năm 2025.
Dự án sẽ tiến hành xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp cải tạo 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu cắt ngang các tuyến đường thủy nội địa quốc gia nhằm cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự đường thủy, dự án được chia làm 2 gói thầu xây lắp gồm: Gói thầu CĐT-XL01 xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày, cải tạo cầu Giồng Găng, tháo dỡ cầu Măng Thít; Gói thầu CĐT-XL02, xây dựng cầu Đông Thuận, Đông Bình, Ô Môn, Thới Lai, Vàm Xáng - Thị Đội.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, đây là dự án đầu tư vào cầu đường bộ nhưng lại phục vụ mục tiêu chính cho việc phát triển đường thủy nội địa.
Hiện nay, các cây cầu trên đều có điều kiện hạn chế về tĩnh không thông thuyền cả chiều đứng lẫn chiều rộng khiến phương tiện thủy lưu thông gặp nhiều khó khăn, mất an toàn. Đặc biệt là các phương tiện chở container, trong khi yêu cầu tĩnh không cầu tại khu vực phải đáp ứng cho tàu thuyền xếp được từ 3 đến 4 container.
Từ đó, Bộ GTVT đã quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án này đến năm 2025 đưa đồng bộ 11 cây cầu này vào khai thác cùng với dự án mở rộng kênh Chợ Gạo, mở rộng hành lang logistics tạo thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công trong quá trình thi công quan tâm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giao thông đường bộ, đường thủy dưới dạ cầu, tránh làm ảnh hưởng đến đời sống người dân lân cận dự án.
Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, việc triển khai thực hiện hoàn thành giai đoạn 1 của dự án sẽ là động lực rất lớn để góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.
Về phía Bến Tre, trong tổng thể toàn bộ dự án, Bến Tre được đầu tư xây dựng mới cầu Mỏ Cày và hai tuyến đường dẫn kết nối với tuyến tránh Quốc lộ 60 về phía Bắc và kết nối với Quốc lộ 60 về phía Nam, đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi, phù hợp với hiện trạng khu vực xây dựng và quy hoạch của địa phương.
Qua quá trình tích cực chuẩn bị, Ban Quản lý các dự án Đường thuỷ đã hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định. UBND huyện Mỏ Cày Nam tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đặc biệt là sự đồng thuận chủ trương và ủng hộ của nhân dân trong khu vực dự án.
Theo Bộ GTVT, dự án sẽ đảm bảo khai thác đồng bộ về vận tải đường thủy trên toàn tuyến, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa giữa khu vực ĐBSCL đến TP. Hồ Chí Minh cũng như các cụm cảng biển khu vực Đông Nam bộ và ngược lại. Đặc biệt là việc đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy khu vực ĐBSCL là cơ sở để phát triển mô hình vận tải đa phương thức.
Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh Bến Tre, Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và đến nay hoàn thiện thủ tục để triển khai thi công gói thầu xây dựng CĐT-XL01: Xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; cải tạo cầu Giồng Găng; tháo dỡ cầu Măng Thít tạo tiền đề để triển khai thực hiện gói thầu còn lại của dự án.Việc triển khai thực hiện hoàn thành giai đoạn 1 của dự án sẽ là động lực rất lớn để góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, nâng cao năng lực vận tải đường thủy. Đồng thời giảm thiểu tắc nghẽn cũng như áp lực vận tải hàng hóa trên các tuyến đường bộ, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ, giảm tỉ lệ các vụ tai nạn trên các tuyến đường bộ, đường thủy, đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải.
Trong quá trình thực hiện, dự án đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND các tỉnh Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tham mưu địa phương, sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền sở tại trong công tác GPMB.
Việc triển khai dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của Bộ GTVT nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực.