Khan truong thuc hien ke hoach nang cap Cang hang khong Ca Mau hinh anh 1Máy bay của Hãng hàng không Bamboo Airways đậu tại Cảng hàng không Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Theo quy hoạch được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau sẽ được nâng cấp thành Cảng hàng không nội địa cấp 4C,  đáp ứng khai thác dòng tàu bay A320 và A321.

Trong văn bản trả lời Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau về việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, đối với kiến nghị đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, Bộ Giao thông Vận tải cho biết Cảng hàng không Cà Mau hiện đạt tiêu chuẩn cấp sân bay 3C, đáp ứng khai thác tàu bay ATR 72 và tương đương.

Để tiến tới nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, việc sửa chữa đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không Cà Mau đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai.

[Đề xuất phương án nâng cấp sân bay Cà Mau để đón tàu bay lớn]

Hiện Cảng hàng không Cà Mau có thể tiếp nhận một số loại tàu bay Embraer khai thác các đường bay tầm trung, giúp kết nối Cà Mau với các trung tâm lớn của cả nước. Ngày 29/4/2023, Bamboo Airways đã đưa vào khai thác đường bay thẳng Hà Nội-Cà Mau với tần suất 3 chuyến/tuần, giúp cho hành khách có thể rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai đầu đất nước.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Chính phủ phê duyệt ngày 7/6/2023, sân bay Cà Mau sẽ là một trong 19 cảng hàng không quốc nội, cùng với Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội.

Theo quy hoạch này, Cảng hàng không Cà Mau sẽ là cảng hàng không quy mô cấp 4C, với công suất thiết kế 3 triệu lượt hành khách/năm.

Ngành giao thông vận tải cũng sẽ bố trí các trung tâm đào tạo và huấn luyện bay với quy mô phù hợp với nhu cầu đào tạo trong nước cũng như khu vực tại các cảng hàng không có mật độ cất hạ cánh không lớn, thuận lợi về yếu tố địa hình, thời tiết cho hoạt động bay, cách khu vực biên giới trên 50km, ưu tiên tại các cảng hàng không Chu Lai, Rạch Giá và Cà Mau.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành rà soát để lập, điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không phù hợp với quy hoạch tổng thể.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua. Trong đó sân bay Cà Mau được đề xuất chuyển giao về địa phương để chủ động huy động nguồn vốn đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) hoặc ACV huy động nguồn vốn theo quy định pháp luật.

Về đề xuất bổ sung quy hoạch đường cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Bộ sẽ rà soát và lưu ý kiến nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh quy hoạch vào thời điểm thích hợp."

Đối với kiến nghị sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ thành phố Cà Mau đến Năm Căn và đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án này.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho hay các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ đoạn từ thành phố Cà Mau đến Năm Căn và đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi chưa được đưa vào danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải đã được Quốc hội thông qua./.

(Vietnam+)