Khai thác hai mỏ cát phục vụ dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu

19:49 - 16/01/2025

Tiền Giang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhằm đưa vào khai thác hai mỏ cát phục vụ dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1.

Công trường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Công trường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Thanh Phương, tỉnh đã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết cũng như cơ chế, chính sách đã được phê duyệt nhằm tiến hành triển khai đưa vào khai thác hai mỏ cát phục vụ dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1, gồm: Mỏ cát Hòa Hưng 2 trên sông Tiền qua địa bàn xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) và mỏ cát trên sông Tiền đoạn thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với tổng khối lượng được phép khai thác 956.000m3.

Các mỏ cát trên được phép khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1.

Tại mỏ cát Hòa Hưng 2 có diện tích hơn 12,5ha, tổng lượng cát san lấp được phép khai thác phục vụ cho dự án thành phần 2 là 656.000m3. Mức sâu khai thác đến mức -20m, phương pháp khai thác lộ thiên.

Thời gian khai thác là chín tháng, kể từ ngày cấp bản xác nhận. Trường hợp khai thác đủ khối lượng cho dự án trước thời gian chín tháng thì phải dừng khai thác theo quy định. Thời gian thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ là ba tháng.

Công ty cổ phần Xây lắp 368 là một trong các nhà thầu liên danh thi công dự án thành phần 2 được phép khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù từ cuối tháng 12/2024, sau khoảng nửa tháng đưa vào hoạt động đã khai thác được khoảng 7.000m3 cát phục vụ dự án.

Mỏ cát trên sông Tiền đoạn thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) cũng đã được Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - đơn vị đứng đầu liên danh thi công dự án thành phần 2 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn I, khởi công khai thác vào ngày 15/1/2025 vừa qua.

Khu vực mỏ cát khai thác có diện tích 18,78ha; trong đó Khu A là 7,88ha và Khu B là 10,9ha. Tổng trữ lượng cát san lấp được phép khai thác là 300.000 m3.

Mức sâu khai thác thấp nhất -17m. Thời gian khai thác là bốn tháng (15/1 đến 15/5/2025), trường hợp khai thác đạt khối lượng tối đa là 300.000m3 trước ngày 15/5/2025 thì dừng khai thác theo quy định.

Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1 là một bộ phận của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu có tổng chiều dài 27,43km.

cao-lanh-an-huu-7007.jpg
Bơm cát từ ghe lên công trường xây dựng cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 1. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Tuyến đường này còn là một phần của tuyến cao tốc Hồng Ngự-Trà Vinh (CT36) có tổng chiều dài 188km theo Quyết định 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh-An Hữu qua địa bàn hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư 3.856 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến trên 11km; trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp 3,8km và qua Tiền Giang 7,63km.

Điểm đầu giao với Dự án thành phần 1 tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp); điểm cuối kết nối với tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận tại lý trình Km98+950, cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km thuộc địa bàn xã An Thái Trung, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang).

Với tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang - cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang - chủ đầu tư; các cấp, các ngành hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, nhà thầu thi công đến đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động trên công trường trong những ngày đầu năm mới 2025 trên dưới một lòng, đang hối hả, miệt mài lao động.

Đặc biệt, với việc hai mỏ cát được đưa vào khai thác tạo niềm phấn khởi chung của các cấp, các ngành, các nhà thầu thi công bởi giúp tháo gỡ “điểm nghẽn” về cát phục vụ dự án, đảm bảo tiến độ thi công các gói thầu.

Trung tá Lê Trung Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đại diện Liên danh nhà thầu dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh-An Hữu và là đơn vị được phép khai thác mỏ cát tại xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cho biết: Sau lễ khởi công vào ngày 15/1, đơn vị tập trung mọi phương tiện thiết bị đưa cát về công trường sớm nhất. Mục tiêu trước mắt là hoàn thành đường công vụ của dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh-An Hữu.

Đường công vụ hoàn thành đưa vào sử dụng là yếu tố quan trọng để nhà thầu huy động phương tiện, vật tư, nhân lực tập trung thi công các bước tiếp theo nhằm sớm đưa toàn tuyến cao tốc Cao Lãnh-An Hữu về đích, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long./.

Nguồn: Khai thác hai mỏ cát phục vụ dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu | Vietnam+ (VietnamPlus)