Khai thac dia chat, khoang san ben vung dap ung tinh hinh moi hinh anh 1Khu mỏ khai thác quặng chì kẽm được cấp phép khai thác tại xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Quản lý nhà nước về khoáng sản, nhiều kết quả tích cực

Báo cáo tổng kết công tác năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh cho biết, tính đến ngày 20/12/2022, Tổng cục đã hoàn thành thẩm định hồ sơ, trình Bộ ký ban hành 104 Giấy phép Quyết định về cấp phép hoạt động khoáng sản và đóng cửa mỏ khoáng sản, bao gồm 20 Giấy phép thăm dò khoáng sản; 29 Giấy phép khai thác khoáng sản; 15 Quyết định phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; 40 Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.

Về công tác thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản, Tổng cục đã phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn các tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa; tham gia Đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản trong công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và cấp giấy phép hoạt động khoáng sản tại các tỉnh như Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh. Tổng cục cũng kiểm tra đột xuất 11 cuộc tại các tỉnh phía Bắc và 30 cuộc tại các tỉnh phía Nam theo đơn thư phản ánh của người dân, báo chí và yêu cầu quản lý nhà nước về khoáng sản.

Tính đến ngày 15/12/2022, Tổng cục đã ban hành 74 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 72 tổ chức, trong đó 64 Quyết định đã được các tổ chức thi hành.

Về công tác điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản, Tổng cục triển khai 4 Đề án Chính phủ đã được kiểm tra thi công thực địa và chuẩn bị nghiệm thu theo đúng kế hoạch năm 2022 như Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế-xã hội;" Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội;" Đề án “Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ, phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam;" Đề án Bay đo từ-trọng lực tỷ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam.

[Xác định trọng tâm kiểm toán môi trường và khai thác khoáng sản]

Công tác giám sát thi công các đề án điều tra, thăm dò được thực hiện theo đúng quy định. Tổng cục đã ủy quyền cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục giám sát trên 30 đề án thăm dò và chuyển 38 Báo cáo giám sát cho Hội đồng đánh giá trữ lượng quốc gia làm cơ sở thẩm định, phê duyệt báo cáo thăm dò.

Đáng chú ý, Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường trong việc ứng dụng Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng; sử dụng phần mềm Quản lý nhân sự cho các đơn vị; các văn bản của Tổng cục được sử dụng 100% chữ ký số.

Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản đến năm 2030

Để công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản đáp ứng với tình hình mới, Phó Tổng cục trưởng Lại Hồng Thanh đề xuất một số giải pháp như tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển địa chất, khoáng sản; bám sát tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch được giao.

Đồng thời, Tổng cục cần rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, các quy định đang cản trở quá trình thực hiện; đề xuất với cấp có thẩm quyền các cơ chế thực hiện thí điểm những nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới, sáng tạo để khơi thông, giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội cho phát triển địa chất, khoáng sản.

Khai thac dia chat, khoang san ben vung dap ung tinh hinh moi hinh anh 2Sản suất đá tại Mỏ đá Lũng Cái Đay của doanh nghiệp tư nhân Ngọc Dụ, huyện Bình Gia. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Cùng với đó, Tổng cục cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên chỉ đạo, năm 2023, Tổng cục cần hoàn thiện quy trình hoạt động theo cơ chế mới; thực hiện tốt công tác giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản; thẩm định kỹ để cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật…

Đồng thời, Tổng cục cần tập trung hoàn thiện hồ sơ để kết thúc các nhiệm vụ: Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập hồ sơ xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi); Nghị quyết 88/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NĐ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;" khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia…

Tổng cục tiếp tục thực hiện các cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cơ bản tháo gỡ được vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025... đánh giá tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, xây dựng./.

Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)