Khai mac Ngay Sach va Van hoa doc Viet Nam tai Thua Thien-Hue hinh anh 1Cắt băng khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, năm 2023. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Chiều 21/4, tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai với thông điệp: "Sách: Nhận thức-Đổi mới-Sáng tạo" và "Sách cho tôi, cho bạn."

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về vai trò của sách đã nhấn mạnh: "Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc."

Lời khẳng định này đã phần nào đúc kết được truyền thống hiếu học, trọng sách của dân tộc ta. Những năm qua, các bộ, ngành, cộng đồng, địa phương, các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, các thư viện và những doanh nghiệp, cá nhân có tấm lòng nhiệt huyết đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, giúp công tác xuất bản có bước phát triển nhanh, làm cho văn hóa đọc có sự khôi phục đáng ghi nhận. Phong trào đọc sách, tặng sách đã đến được nhiều nơi trên cả nước.

Nhấn mạnh Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai cùng Hội Sách chào mừng với các chuỗi hoạt động phong phú đã góp phần phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống, tôn vinh sách và những người làm sách, phát triển phong trào đọc sách, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm xây dựng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị xuất bản phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng. Các bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như: xây dựng văn hóa, khuyến học; tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, gốc của sách là tri thức, tri thức là sức mạnh của mỗi con người, cũng là sức mạnh của mỗi quốc gia, một dân tộc.

 
Khai mac Ngay Sach va Van hoa doc Viet Nam tai Thua Thien-Hue hinh anh 2Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham quan không gian triển lãm Hội sách. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, cần khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai tại Thừa Thiên-Huế diễn ra từ 21/4-1/5 với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng nhằm tôn vinh sách và cổ vũ phát triển văn hóa đọc.

Một số sự kiện đáng chú ý như: triển lãm sách; hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai; tọa đàm "Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và nền tảng hỗ trợ xuất bản, phát hành"; giới thiệu tác giả, tác phẩm của Huế và viết về Huế; các hoạt động giới thiệu sách mới, giao lưu tác giả, nhà nghiên cứu với độc giả; tọa đàm về các chủ đề lịch sử, văn hóa, xã hội và xu hướng phát triển ngành xuất bản cùng các chương trình văn nghệ đặc sắc giới thiệu di sản văn hóa cung đình Huế…

[Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam: Những lợi ích của việc đọc sách]

Đặc biệt, tại không gian triển lãm sách sẽ diễn ra buổi giới thiệu đến bạn đọc và du khách nhiều cuốn sách có giá trị về văn hóa Huế thuộc "Tủ sách Huế"; những thư tịch, tư liệu quan trọng được lưu giữ qua nhiều thời kỳ cùng các ấn phẩm độc đáo về Huế; trong đó có 11 cuốn sách cổ do Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế lưu giữ sẽ được ra mắt công chúng.

Hội chợ sách cũng được tổ chức và thực hiện mang đậm nét văn hóa đặc trưng xứ Huế với 16 khu trưng bày.

Tại buổi lễ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Chương trình truyền thông Khuyến đọc nhằm xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên cơ sở hợp tác giữa các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông với 8 cơ quan báo chí.

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chuyển giao 770 ấn phẩm Tủ sách Huế đến 49 điểm thư viện trên toàn tỉnh góp phần quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa Huế; khích lệ văn hóa đọc, hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách./.

Tường Vi (TTXVN/Vietnam+)