Kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam

09:34 - 08/10/2021

Tạp chí GTVT - Chiều 7/10, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Screen Shot 2021-10-07 at 18.23.29
Toàn cảnh Hội nghị

Nhiều điểm mới nổi bật

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết trong thời gian qua Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức lập và hoàn thành 05 quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 2 quy hoạch ngành quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm nhất.

Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương cùng chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, quy hoạch này đã xác định cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là một trong ba khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại phát huy lợi thế là phương thức chủ đạo vận tải hàng hóa khối lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa quốc tế.

023F1088-86C1-4C04-9D8E-C9B085AA8783.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chia sẻ những điểm mới nổi bật của Quy hoạch.

Trong 05 loại hình kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí, các loại hình khác sẽ được kết nối đồng bộ liên hoàn dựa trên những ưu thế của từng phương thức trong từng hành lang vận tải.

Quy hoạch cũng nhấn mạnh việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác hướng tới xây dựng cảng biển xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đường bờ, mặt nước.

Phát triển cảng biển trên cơ sở kế thừa thành quả đã đạt được trong suốt 20 năm phát triển cảng biển theo quy hoạch, ưu tiên các cảng biển cửa ngõ quốc tế, các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo. Năng lực của hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua đến năm 2030 từ 1.140 - 1.420 triệu tấn (gấp 1,64 – 2 lần so với sản lượng thông qua cảng biển năm 2020), trong đó hàng container từ 38 - 47 triệu TEU.

“Nguồn lực cho phát triển cảng biển thời kỳ này chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách chiếm đến 95% trong tổng số 313 ngàn tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư cảng biển. Vốn ngân sách tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết.

“Trải thảm” kêu gọi các nhà đầu tư cảng biển

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết công tác xây dựng quy hoạch tổng thể các lĩnh vực ngành GTVT vô cùng quan trọng, với truyền thống “giao thông đi trước mở đường”, khi các quy hoạch của ngành GTVT được ban hành trước sẽ giúp các địa phương phát triển kinh tế tốt hơn. Chính vì vậy trong cả năm 2020, Bộ GTVT đã tập trung xây dựng 5 quy hoạch tổng thể ngành GTVT theo Luật Quy hoạch mới.

FD9399F2-7FD7-4244-832C-DCB16CFE5459.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị

“Triển khai xây dựng các quy hoạch là công việc quan trọng. Trong lịch sử ngành GTVT, chưa có giai đoạn nào quy hoạch được làm tốt như lần này. Trước đây quy hoạch các lĩnh vực làm ở thời điểm khác nhau nhưng lần này, quy hoạch 5 lĩnh vực ngành GTVT được thực hiện đồng thời giúp cho việc đánh giá tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực được hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện thực tiễn hơn”, Bộ trưởng đánh giá.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, quy hoạch mang tính định hướng nhưng không phải là bất biến mà vẫn có điều chỉnh nên các địa phương cần phối hợp với Bộ để xây dựng các cảng biển, giúp tạo ra đột phá về kinh tế-xã hội đồng thời kêu gọi ‘trải thảm’ các nhà đầu tư. Trong quá trình thực hiện, địa phương nếu có vướng mắc cần phối hợp với Bộ GTVT để hệ thống hạ tầng cảng biển hoàn thành tốt nhất.

Đồng thời, Bộ GTVT sẽ đề xuất cơ chế đặc thù để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để nhà đầu tư tiếp cận vốn, tạo “sân chơi” cho nguồn vốn xã hội hóa rót tiền đầu tư vào cảng biển, tạo tiền đề phát triển cho đất nước. 

Thuỳ Dương

http://www.tapchigiaothong.vn/keu-goi-dau-tu-phat-trien-he-thong-cang-bien-viet-nam-d92827.html