Ke gian bien tuong chieu lua dao, phu huynh len giay cot de phong hinh anh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Từ gọi điện lừa đảo báo con đang cấp cứu, cần chuyển tiền ngay để phẫu thuật, các đối tượng lừa đảo đã chuyển sang các phương thức khác như gọi điện báo con đang nợ tiền, yêu cầu phụ huynh chuyển khoản trả.

Tăng cường cảnh giác

Ngày 23/3, Trường Trung học phổ thông Kim Liên (Hà Nội) đã phát đi thông báo khẩn tới toàn thể phụ huynh trong trường về “chiêu” mới của các đối tượng lừa đảo. Cụ thể, một phụ huynh trong trường nhận được cuộc gọi của người lạ báo con mua mỹ phẩm, đang nợ tiền, có đặt lại thẻ học sinh và yêu cầu phụ huynh trả tiền để nhận lại thẻ. Số tiền là 5 triệu đồng.

Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Liên cho hay rất may là phụ huynh tỉnh táo, bình tĩnh xử lý tình huống, gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm để xác minh nên không bị “sập bẫy”.

Trước đó, trường cũng công khai tới phụ huynh số điện thoại đường dây nóng của ban giám hiệu cũng như văn phòng nhà trường để phụ huynh có thể nhanh chóng báo và kiểm tra thông tin khi có các cuộc gọi lạ có tính chất lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến con.

Thông tin từ vụ việc xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Kim Liên đã nhanh chóng được các phụ huynh chia sẻ, lan tỏa để nâng cao tinh thần cảnh giác. Anh Nguyễn Mạnh Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay anh chưa nhận được cuộc gọi nào tương tự, nhưng đã từng bị đối tượng lừa đảo báo con đang cấp cứu. “Tuy nhiên, do đã đọc các thông tin cảnh báo trước đó nên tôi nhanh chóng nhận ra đây chỉ là cái bẫy,” anh Hùng chia sẻ.

 

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội, đã có rất nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng như giả vờ là cán bộ công an, cán bộ hải quan… và yêu cầu chuyển tiền theo hướng dẫn. Các đối tượng đánh vào tâm lý người dân thường ngại dính dáng đến các vấn đề liên quan đến pháp luật, nhất là với những người vốn có hành động trái quy định lại càng dễ bị lợi dụng.

“Việc lừa đảo gắn với học sinh đánh vào tâm lý của phụ huynh khi rất dễ bị sự lo lắng chi phối, dẫn đến dễ mất đi sự bình tĩnh và tỉnh táo và dễ có khả năng làm theo yêu cầu của kẻ xấu. Vì thế, phụ huynh cần phải hết sức cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để không bị lừa,” thầy Bình chia sẻ.

Kỹ năng an toàn tài chính

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề lừa đảo qua mạng hay điện thoại và phân tích dưới góc nhìn tâm lý xã hội, Phó giáo sư Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng con người ngày càng dành nhiều thời gian cho không gian ảo. Yêu cầu cuộc sống ngày càng nhanh hơn, con người lúc nào cũng rơi vào trạng thái áp lực và vội. Việc quá tải thông tin cũng khiến con người có xu hướng lướt nhanh để cập nhật và bỏ qua kỹ năng phán xét, đánh giá nên dễ tin, dễ bị dẫn dắt.

[Chuyên gia an ninh mạng nói gì về chiêu lừa gọi điện con cấp cứu?]

“Vì vội, vì thiếu kỹ năng phán xét, kết hợp với lòng tham và nỗi sợ nên dễ bị lừa. Kẻ gian tận dụng lòng tham cũ bài thì chuyển sang tận dụng nỗi sợ,” Phó giáo sư Trần Thành Nam phân tích.

Cũng theo Phó giáo sư Trần Thành Nam, trong thời đại công nghệ 4.0, phụ huynh nói riêng và mọi người dân nói chung đều phải có kỹ năng an toàn tài chính trong kỷ nguyên số. Cụ thể như kỹ năng kiểm tra chéo thông tin, luôn đặt giả định mọi tương tác trên mạng liên quan đến tiền có thể là giả và chỉ là thật khi có minh chứng xác thực…

“Xã hội phát triển quá nhanh trong khi văn hóa, nhận thức của mọi người có thể không theo kịp. Các vụ lừa đảo ngày càng nhiều và biến tướng, các cơ quan chức năng phải có nhiều biện pháp quyết liệt hơn và phải cảnh báo trước để mọi người phòng ngừa,” ông Nam nói.

Là chuyên gia về an ninh mạng, anh Nguyễn Trung Trực, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng các đối tượng lừa đảo có thể sẽ còn tiếp tục biến tướng từ các chiêu này sang các phương thức khác nên điều quan trọng là mọi người cần nhanh chóng chia sẻ các thông tin liên quan để cảnh báo đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, “lên giây cót” đề phòng./.

Phạm Mai (Vietnam+)