James Webb tiep tuc cung cap thong tin hiem co ve mot hanh tinh bi an hinh anh 1Hình ảnh vũ trụ mà kính viễn vọng James Webb chụp được. (Ảnh: NASA)

Ngày 10/5, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết kính viễn vọng không gian James Webb đã quan sát thấy “bầu khí quyển sáng bất thường” của một hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời.

Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể quan sát hành tinh bí ẩn này một cách chi tiết như vậy.

Hành tinh mang tên GJ 1214 b cách Trái Đất khoảng 40 năm ánh sáng. 

Theo những phát hiện mới của NASA, hành tinh GJ 1214 b quá nóng nên không có các đại dương nhưng thành phần chính trong bầu khí quyển tại đây là hơi nước.

Ngoài những quan sát tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận hành tinh lạ theo một phương pháp mới.

Bằng việc theo dõi GJ 1214 b khi hành tinh này di chuyển trên toàn bộ quỹ đạo quay quanh một ngôi sao, nhóm đã thu được ánh sáng của sao chủ xuyên qua bầu khí quyển của hành tinh.

 

Sử dụng thiết bị hồng ngoại sóng trung bình của kính James Webb, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một “bản đồ nhiệt” của GJ 1214 b khi đang quay quanh ngôi sao chủ.

Theo NASA, bản đồ nhiệt này đã cho thấy sự khác biệt ngày và đêm, cũng như chi tiết về thành phần bầu khí quyển của hành tinh này.

[Tàu thăm dò của NASA hoàn thành lần bay thứ 50 qua Sao Mộc]

Nhà nghiên cứu Eliza Kempton tại Đại học Maryland (Mỹ) cho biết hành tinh hoàn toàn bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc. Cho đến khi thực hiện được quan sát trên, giới nghiên cứu vẫn chưa thể làm sáng tỏ thông tin về thành phần bầu khí quyển của hành tinh này kể từ cuối năm 2009 khi hành tinh được phát hiện lần đầu.

Bà Kempton đánh giá với những quan sát mới, nếu thực sự chưa rất nhiều nước thì hành tinh này có thể từng là là một “thế giới nước” với một lượng lớn vật chất nước và băng giá tại thời điểm hình thành./.

Linh Tô (TTXVN/Vietnam+)