Hướng tới Net Zero: Cần cơ chế thí điểm đột phá về phát triển năng lượng tái tạo

14:45 - 29/10/2024

Việt Nam cần nghiên cứu và ban hành cơ chế thí điểm đột phá phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi đến năm 2030 giúp khởi động thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi.

Dự án nhà máy điện gió ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
 
Dự án nhà máy điện gió ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050, nhiều ý kiến chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần sớm hoàn thiện các khung chính sách pháp lý đồng thời có cơ chế tài chính ưu đãi hơn, để khuyến khích đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà​ đầu tư khai thác, phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả, bền vững.

Trước mắt, các bộ, ngành liên quan (như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương,…) cần nghiên cứu, ban hành cơ chế thí điểm đột phá phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.

Cấp thiết chuyển dịch năng lượng xanh

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh chuyển dịch năng lượng nhằm đạt mục tiêu Net Zero là trọng tâm của các chính sách môi trường toàn cầu; không chỉ liên quan đến việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, mà còn đòi hỏi các quốc gia phát triển hệ thống năng lượng hiệu quả, bền vững.

Tại Việt Nam, theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, đến năm 2030, phát thải từ lĩnh vực năng lượng cần giảm 32,6%, tương đương với tổng lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương. Đặc biệt, Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để thực hiện mục tiêu trên, theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, chuyển dịch năng lượng (việc thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như năng lượng hoá thạch gây ô nhiễm môi trường bằng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo) là giải pháp rất cấp thiết.

Tuy nhiên, ông Thọ cũng lưu ý đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, không chỉ gặp khó khăn về tài chính và đòi hỏi phải đầu tư công nghệ tiên tiến, mà còn yêu cầu sự thay đổi lớn về mặt thể chế và chính sách.

“Vì thế, quá trình chuyển dịch này cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính, đặc biệt là sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp, cũng như có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế,” ông Thọ nói.

Dẫn kinh nghiệm ở một số nước trong khu vực, ông Thọ cho biết tại tại Indonesia, việc tập trung chuyển đổi các nhà máy điện than thông qua tài chính xanh đã được thực hiện từ nhiều năm trước; Philippines cũng đã thực hiện thành công việc đồng loạt đốt sinh khối ở một số nhà máy điện lớn.

Do vậy, Chính phủ cần sớm có cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường.

vnp_gio.jpg
Các trụ tuabin gió ở Trường Sa. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Một trong những cơ chế quan trọng nhất là chính sách mua điện cố định (FIT - Feed in Tariff), cho phép các nhà sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo được hưởng mức giá ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn vốn, đảm bảo lợi nhuận bền vững,” ông Thọ chia sẻ.

Cần có cơ chế thí điểm đột phá

Đề xuất thêm giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh, hướng đến Netzero tại Việt Nam, tiến sỹ Dư Văn Toán (Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo) cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần chú trọng tới việc xây dựng chương trình khoa học công nghệ nghiên cứu về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi (từ chính sách, pháp luật đến việc đầu tư, đánh giá, khảo sát thực địa, môi trường, hiệu quả kinh tế).

Cùng với đó, các cơ quan liên quan cần tiếp tục đánh giá tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh toàn vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam như: Nghiên cứu để quy hoạch các trang trại triển điện gió ngoài khơi xa bờ không nối lưới, phục vụ cho đảo và sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh trong tương lai với nhiều lợi ích lớn khác.

Ngoài ra, Việt Nam cần có nghiên cứu xây dựng và phê duyệt đề án chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để chuẩn hóa bản đồ biển, ranh giới và diện tích biển, đo đạc biển.

"Đặc biệt là nghiên cứu và ban hành cơ chế thí điểm đột phá phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi đến năm 2030 giúp khởi động thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi," ông Toán nhấn mạnh.

Có chung quan điểm, Tiến sỹ Vũ Văn Doanh - Phó Trưởng Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho rằng để chuyển đổi năng lượng xanh hiệu quả, Nhà nước cần phải xác định rõ cơ quan đầu mối thực hiện, đặc biệt ở lĩnh vực đầu tư năng lượng; cụ thể hoá và đồng bộ các quy định trong cơ chế đấu thầu, thực thi cơ chế đấu thầu.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm tới các nguồn lực và công cụ hỗ trợ để xem xét áp dụng các tiêu chí, thước đo phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo của doanh nghiệp; xây dựng khung pháp lý, hệ thống chính sách thông qua phản hồi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là đối với các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; phát triển cơ chế thanh toán bù trừ, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai cho các công trình nghiên cứu, xây dựng liên quan đến việc phát triển và sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại Việt Nam./.

Nguồn: Hướng tới Net Zero: Cần cơ chế thí điểm đột phá về phát triển năng lượng tái tạo | Vietnam+ (VietnamPlus)