Năm 2025, thành phố Huế đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10% trở lên nhằm tạo bước chạy đà quan trọng cho giai đoạn phát triển mới cùng với cả nước.
Đây là mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của thành phố. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo thành phố đã vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm, qua đó giúp khơi thông nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Nhận diện khâu yếu
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế Nguyễn Văn Phương đã từng thẳng thắn nhận định, giải phóng mặt bằng là khâu yếu của địa phương, làm ảnh hưởng đến tiến độ về đích của nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Vấn đề này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan là số lượng dự án lớn được thực hiện trong những năm gần đây tăng nhiều, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân phải giải toả, đền bù, bố trí tái định cư với khối lượng công việc rất lớn, trong khi đội ngũ làm công tác giải phóng mặt bằng của thành phố mỏng, chưa đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của công việc.
Thời gian gần đây, thành phố Huế đã đẩy mạnh việc cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, không tự nguyện bàn giao mặt bằng theo quy định của pháp luật ở nhiều dự án như: đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương; cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A, B, C chung cư Đống Đa; cải thiện môi trường nước thành phố Huế…
Theo lãnh đạo thành phố Huế, trong quá trình giải phóng mặt bằng luôn đặt quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người dân lên trên hết. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải chủ động vào cuộc, nắm chắc thông tin từng dự án và các chính sách pháp luật mới liên quan về giải phóng đền bù, bố trí tái định cư, qua đó tăng cường đối thoại, giải thích, hướng dẫn để người dân hiểu, chấp hành và đồng hành cùng với sự phát triển chung của thành phố.
Công tác giải phóng mặt bằng những tháng đầu năm 2025 của thành phố Huế đang có sự chuyển biến tích cực, góp phần để các dự án sớm được khởi công, trong đó Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế là dự án sản xuất công nghiệp quan trọng của thành phố Huế.
Ủy ban Nhân dân huyện Phú Lộc đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất gần 165 ha/ 220 hộ, với hơn 200 tỷ đồng, trong đó có 89 hộ được bố trí tái định cư. Đến nay đã có 210/220 hộ dân nhận tiền để di dời, cùng với đó đã bố trí tái định cư cho 82/89 hộ dân.
Từ đầu năm 2025 đến nay, lãnh đạo thành phố Huế đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư và chính quyền địa phương để tháo gỡ những vướng mắc phấn đấu hoàn thành, bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp ngay trong tháng 3/2025.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, hai tháng đầu năm 2025, địa phương đã giải ngân vốn đầu tư công hơn 254/4.537 tỷ đồng, đạt 5,6% kế hoạch, hiện cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước và xếp thứ 15/63 tỉnh thành.
Tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm của thành phố hiện đáp ứng theo yêu cầu đề ra. Trong tháng 3/2025, nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách của thành phố cũng đồng loạt được khởi công như: dự án Nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng Đạt Phương, dự án Trung tâm Logistics Chân Mây, dự án Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanze, dự án Nhà máy chế biến cát và sản xuất đá nhân tạo Vinasilica…
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai và quỹ đất tái định cư
Liên quan đến vấn đề vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố Huế cần có cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh, qua đó giúp xác định nguồn gốc sử dụng đất ngay từ bước nghiên cứu dự án.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế, thời gian qua, thực hiện các quyết định phê duyệt của Ủy ban Nhân dân thành phố về đo đạc lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn, sở đã tham mưu tổ chức thực hiện và đến nay đã đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, sở đã hoàn thành hệ thống bản đồ địa chính trên toàn thành phố đảm bảo phục vụ các yêu cầu về quản lý đất đai, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Căn cứ dữ liệu bản đồ và hồ sơ địa chính, Sở đã tổ chức xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai đối với các loại đất trên địa bàn toàn thành phố.
Hệ thống thông tin đất đai thành phố Huế được xây dựng có 1.089.557 thửa đất, trong đó có 540.790 thửa đầy đủ các thành phần dữ liệu theo quy định, đạt tỷ lệ trên 49%, đã kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Địa phương phấn đấu đến hết năm 2025 cơ sở dữ liệu đất đai của thành phố sẽ hoàn thiện, vận hành đầy đủ và đúng theo quy định.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế Trần Thanh Quang cho biết, trên cơ sở dữ liệu đất đai của thành phố đã được xây dựng, đưa vào khai thác vận hành, sở đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai rà soát, cập nhật bổ sung các dữ liệu địa chính đối với khu vực còn thiếu để cung cấp cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Huế làm cơ sở khảo sát đánh giá sơ bộ khối lượng các thửa đất cần giải phóng mặt bằng của khu vực triển khai dự án; xác định bước đầu phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để lập dự án kêu gọi đầu tư.
Theo quy định của Luật Đất đai 2024, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế cho biết, nhằm thực hiện đúng quy định trên để bố trí tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng khi nhà nước thu hồi đất, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế và các địa phương đã chủ động chuẩn bị quỹ đất tái định cư phục vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm.
Thành phố Huế hiện có 6.848 lô đất tái định cư và 915 căn hộ chung cư để phục vụ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án. Thành phố cũng đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của các địa phương, trong đó có 30 khu đất để đầu tư xây dựng khu tái định cư mới để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2025 và những năm tiếp theo, với diện tích gần 83 ha nhằm chuẩn bị trước cho công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án./.
Nguồn: Phá lực cản về giải phóng mặt bằng cho mục tiêu tăng trưởng | Vietnam+ (VietnamPlus)