Houthi tra tu do cho chi huy quan Chinh phu Yemen sau 8 nam giam giu hinh anh 1Người dân Yemen đón thân nhân được trả tự do trong cuộc trao đổi tù nhân giữa lực lượng Houthi và Chính phủ Yemen. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức của lực lượng Houthi tại Yemen cho biết phiến quân Houthi đã trả tự do cho Thiếu tướng Faisal Rajab, một chỉ huy trong quân đội Chính phủ Yemen, người đã bị giam giữ trong 8 năm.

Ông Rajab đã được trả tự do sau khi một phái đoàn bộ lạc đưa ra yêu cầu từ quê hương của ông ở tỉnh Abyan miền Nam.

Ông Abdulkadir al-Murtada, người đứng đầu ủy ban các vấn đề về tù nhân Houthi, đã xác nhận việc trả tự do cho ông Rajab trong tuyên bố đưa ra trong cuộc họp báo được tổ chức tại thủ đô Sanaa của Yemen.

[Houthi tiếp tục thỏa thuận trao đổi tù nhân với chính phủ Yemen]

Ông al-Murtada cho biết: "Với việc trả tự do cho tù nhân, Thiếu tướng Faisal Rajab, chúng tôi xác nhận sẵn sàng cho một cuộc trao đổi tù nhân lớn (trong tương lai)," đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc "đẩy nhanh việc thực hiện thỏa thuận trao đổi tù nhân đã được thống nhất ở Thụy Sĩ."

Lực lượng Houthi ngày 16/4 đã thông báo về một thỏa thuận trao đổi tù nhân mới với chính phủ nước này, làm dấy lên hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đang diễn ra tại đây.

 

Động thái trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi lực lượng Houthi và Chính phủ Yemen hoàn tất thành công một cuộc trao đổi gần 900 tù nhân của cả hai bên kéo dài 3 ngày.

Trước đó, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) ngày 14/4 thông báo Chính phủ Yemen và lực lượng Houthi đã bắt đầu trao đổi gần 900 tù nhân. Đây được coi là biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên trong bối cảnh các đặc phái viên của Saudi Arabia và đại diện của Houthi đang thúc đẩy hòa đàm.

Yemen chìm trong bất ổn từ năm 2014 khi lực lượng Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa và phần lớn khu vực miền Bắc nước này, buộc chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen phải lưu vong tại Saudi Arabia.

Năm 2015, liên quân Arab, do Saudi Arabia dẫn đầu, đã can thiệp nhằm khôi phục quyền lực của chính phủ được quốc tế công nhận ở Yemen.

Xung đột đã cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người, đẩy quốc gia nghèo nhất trên Bán đảo Arab vào một trong những thảm họa nhân đạo trầm trọng nhất thế giới./.

(Vietnam+)