Hơn 93.000 lượt khách mỗi ngày qua các bến xe TP Hồ Chí Minh dịp Tết Nguyên đán

20:39 - 17/01/2025

Ghi nhận tại các bến xe, hiện tại sản lượng xe và hành khách tại các bến chưa biến động nhiều so với ngày thường. Các bến xe cho biết sản lượng xe, khách sẽ tăng dần từ ngày 20/1 và cao điểm sẽ bắt đầu từ ngày 24/1 đến 27/1 (ngày 25 đến 28 tháng Chạp).

Hành khách lên xe về quê tại Bến xe miền Đông. (Ảnh: TTXVN phát)
Hành khách lên xe về quê tại Bến xe miền Đông. (Ảnh: TTXVN phát)

Hiện nay, các bến xe liên tỉnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng phương án phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán 2025.

Giá vé năm nay được đánh giá tương đương Tết năm trước. Nhiều bến xe có tỷ lệ vé đã bán khá thấp, phần lớn là các chặng ngắn.

Ghi nhận tại các bến xe, hiện tại sản lượng xe và hành khách tại các bến chưa biến động nhiều so với ngày thường. Các bến xe cho biết sản lượng xe, khách sẽ tăng dần từ ngày 20/1 và cao điểm sẽ bắt đầu từ ngày 24/1 đến 27/1 (ngày 25 đến 28 tháng Chạp).

Dự báo các bến xe trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ bình quân mỗi ngày 93.529 hành khách (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước), với 6.527 chuyến xe phục vụ (tăng 5% lượng hành khách so với năm trước). Trong số đó, Bến xe miền Tây ngày cao điểm có thể đạt hơn 2.000 xe và 62.000 khách mỗi ngày. Hiện các đơn vị cũng đã bố trí tăng cường khoảng 300 phương tiện vào bến để giải tỏa hành khách khi cần.

Tính đến hết ngày 16/1, số vé xe đã bán tại 5 bến xe khách liên tỉnh là 351.372 vé trong tổng 754.610 vé theo kế hoạch. Cụ thể, Bến xe miền Đông bán 138.130 trong số 139.100 vé; Bến xe miền Đông mới đã bán 51.102 vé trong tổng 90.000 vé; Bến xe miền Tây bán gần 120.000 vé trong tổng 437.000 vé; Bến xe An Sương bán hơn 28.300 vé trong tổng 48.700 vé; Bến xe Ngã Tư Ga bán gần 14.000/40.000 vé.

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh), một số bến xe có tỷ lệ vé đã bán thấp do đây là các bến có chặng di chuyển ngắn, người dân thường đến cận ngày về mới mua vé xe. Bên cạnh đó, năm nay phần lớn hành khách mua vé qua website các hãng hoặc qua các ứng dụng trên điện thoại.

Dù vé các bến xe còn nhiều, nhưng thực tế phần lớn là vé ghế ngồi, vốn không được hành khách ưu tiên lựa chọn; hoặc thời gian đi lại không phù hợp. Trong khi đó, vé xe giường nằm của các hãng xe có thương hiệu hiện không còn nhiều, thậm chí nhiều chặng đã hết vé.

Liên quan giá vé, hiện Sở Giao thông Vận tải đã tiếp nhận 44 hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá cước của 39 đơn vị (trong tổng số 59 đơn vị vận tải đang khai thác tuyến cố định liên tỉnh tại thành phố). “Phần lớn với mức giá tăng không quá 40% đối với các tuyến đi các tỉnh miền Tây, Tây Ninh và không quá 60% các tuyến đi các tỉnh còn lại so với giá kê khai ngày thường. Giá cước Tết năm nay tương đương với năm trước," ông Ngô Hải Đường chia sẻ.

Hiện các bến xe liên tỉnh của Thành phố Hồ Chí Minh có 4.803 xe hoạt động trên tuyến liên tỉnh, tương ứng 163.000 chỗ. Trong khi xe hợp đồng từ 9 chỗ trở lên kinh doanh vận tải hành khách là 17.618 xe, tương ứng 246.000 chỗ; đây là nguồn cung thêm xe cho các đơn vị vận tải khi thực hiện thuê xe.

Với đường thủy, mỗi ngày Bến phà Cát Lái dự báo phục vụ bình quân 240 chuyến phà đôi, Bến phà Bình Khánh phục vụ bình quân 180 chuyến phà đôi. Phà biển Cần Giờ-Vũng Tàu mỗi ngày hoạt động từ 35-50 chuyến (đi và về), bình quân 4.250 khách/ngày. Tuyến tàu cao tốc cố định Sài Gòn-Vũng Tàu hoạt động từ 8-10 chuyến/ngày (đi và về), bình quân 1.000 khách/ngày.

Trong khi đó, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo sản lượng thông qua cảng bình quân 125.849 hành khách/ngày, lượng khách sân bay tăng khoảng 2% so với năm trước. Ga đường sắt Sài Gòn mỗi ngày có khoảng 5.359 lượt hành khách qua ga, giảm nhẹ so với trước.

tan-son-nhat.jpg
Hành khách xếp hàng vào khu vực soi chiếu kiểm tra an ninh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Trong dịp Tết, ngành giao thông Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên đăng tải thông tin hướng dẫn lộ trình, sơ đồ lưu thông vòng tránh các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; cảnh báo các vị trí đang ùn tắc hoặc có dấu hiệu ùn tắc giao thông trên cổng Thông tin giao thông, hệ thống bảng thông tin giao thông điện tử, kênh thông tin phổ biến trên xe ôtô.

Ông Ngô Hải Đường chia sẻ ngành giao thông sẽ thường xuyên cập nhật tình hình giao thông trên ứng dụng Thông tin giao thông (ứng dụng “TTGT” trên thiết bị di động). Người dân có thể theo dõi, cập nhật thông tin để có lộ trình di chuyển phù hợp. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm, hành khách đi máy bay nên theo dõi để có phương án di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất kịp thời.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường lực lượng điều hòa giao thông tại các khu vực nhà ga, sân bay, bến xe, khu vực cửa ngõ thành phố, tập trung vào các tuyến đường trục chính dẫn ra các nhà ga, sân bay, bến xe, cửa ngõ thành phố.

Các cơ quan chức năng cũng đã hướng dẫn một số lộ trình lưu thông vòng tránh cho phương tiện đi và về Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp Tết Nguyên đán. Trong số đó, lộ trình lưu thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Bắc, miền Trung có 2 lộ trình; với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có 3 lộ trình; với các tỉnh miền Tây Nam Bộ có 5 lộ trình./.

Nguồn: 93.000 lượt khách mỗi ngày qua bến xe TP Hồ Chí Minh dịp Tết Nguyên đán | Vietnam+ (VietnamPlus)