Ngày 11/12, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm quốc tế ASEAN CERAMICS & STONE 2024 về máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu cho ngành gốm sứ và ngành đá. Sự kiện do Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam và các đối tác đồng tổ chức.
Với chủ đề “Bền vững và đa dạng thông qua đổi mới và hợp tác”, Triển lãm Asean Ceramic & Stone 2024 có sự tham gia của hơn 300 công ty và thương hiệu đến từ Italy, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam…
Các doanh nghiệp sẽ giới thiệu các loại máy, thiết bị, nhiều giải pháp công nghệ mới hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng nhưng đồng thời hướng đến tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Triển lãm ASEAN CERAMICS & STONE 2024 là hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trong khoảng 20 năm gần đây, ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng của Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, công nghệ, chủng loại, mẫu mã và chất lượng sản phẩm, có đóng góp quan trọng cho giá trị GDP cả nước.
Ngoài việc cung cấp đủ nhu cầu thị trường trong nước, sản phẩm gốm sứ xây dựng của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như các nước ASEAN, Đông Bắc Á, Mỹ, châu Âu. Việt Nam hiện là một trong 10 quốc gia sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới.
“Tổng công suất cả nước đối với sản xuất gạch ốp lát đã đạt trên 800 triệu m2/năm, sản xuất sứ vệ sinh lên tới trên 30 triệu m2/năm. Trong đó, nhiều công ty đã đầu tư sản xuất với quy mô lớn như Tập đoàn PRIME, VIGLACERA, MIKADO, CMC, NICE CERAMIC… Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng về công suất và sản lượng, các công ty đã chú trọng đầu tư về công nghệ mới, hiện đại, đồng bộ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm”, Thứ trưởng Sinh cho biết.
Ở góc độ Hiệp hội, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, cho biết ngành công nghiệp sản xuất gốm sứ Đông Nam Á đã và đang tăng trưởng nhanh chóng, trở thành một trong những khu vực phát triển sôi động nhất trên thế giới, trong đó nổi bật là Việt Nam và Indonesia luôn nằm trong Top 10 nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới. Việt Nam đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà cung cấp máy và thiết bị, nguyên vật liệu cho ngành sản xuất gốm sứ.
Ông Đinh Quang Huy cũng cho biết những năm gần đây, ngành công nghiệp gốm sứ toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách, trong đó nổi bật là vấn đề về năng lượng, nguyên liệu, lao động và môi trường. Doanh nghiệp sản xuất đều hướng tới việc nâng cao năng suất, giảm tiêu thụ nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải độc hại ra môi trường, tiêu chí sản xuất xanh, sạch, bền vững đang ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Do đó, lãnh đạo Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc tổ chức triển lãm về máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên vật liệu cho ngành sản xuất gốm sứ là một trong những hoạt động thiết thực và mang lại hiệu quả lớn. Với chủ đề “Bền vững và đa dạng thông qua đổi mới và hợp tác”, triển lãm sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối đầu tư, chia sẻ kiến thức và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh giữa thị trường gốm sứ và đá trong nước cũng như quốc tế.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ triển lãm cũng diễn ra các hội thảo thảo luận sâu về xu hướng phát triển và các vấn đề cấp bách ngành gốm sứ và ngành đá đang đối mặt. Các diễn giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau sẽ chia sẻ quan điểm về các chủ đề như “Từ biến đổi khí hậu đến xã hội phát thải bằng 0” và “Duy trì khả năng phục hồi trong ngành gốm sứ”. Những chủ đề này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và các ý tưởng sáng tạo để đưa ngành gốm sứ và đá phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Triễn lãm sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 13/12/2024./.
Nguồn: Hơn 300 doanh nghiệp tham gia Triển lãm quốc tế ASEAN về ngành gốm sứ và đá | Vietnam+ (VietnamPlus)