Hon 100 chuyen gia ban cach phat trien nguon nhan luc STEM hinh anh 1Hội nghị đã thu hút sự tham gia của trên 100 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội nghị Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEMCON) thường niên lần thứ tám diễn ra tại Hà Nội hôm nay, 18/8, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc và quy tụ trên 100 đại biểu là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, trường đại học, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân.

Sự kiện do Đại học Bang Arizona (ASU, thành lập năm 1885, một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu và có quy mô lớn nhất tại Mỹ) tổ chức, với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và sự phối hợp của trường Đại học Phenikaa cùng các đối tác.

Hội nghị năm nay có chủ đề “Nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực STEM tại Việt Nam: Xây dựng kỹ năng số hóa, tài năng công nghệ và kỹ thuật trên quy mô lớn”, nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết: nuôi dưỡng lực lượng lao động trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) giàu năng lực, có khả năng thích ứng và thúc đẩy nền nền kinh tế số của Việt Nam hướng tới một tương lai thịnh vượng.

Theo đó, một trong các giải pháp quan trọng được các chuyên gia đặt ra là cần sự hợp tác, hợp nhất các nguồn lực của doanh nghiệp, nhà trường và các tổ chức chính phủ để vạch ra một lộ trình quốc gia toàn diện cho giáo dục STEM.

Trong khuôn khổ hội nghị, các phiên họp và đối thoại đã tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác đổi mới, nêu bật Việt Nam là một mô hình đang phát triển về quan hệ đối tác công-tư trong lĩnh vực STEM ở khu vực ASEAN.

Một chương trình hợp tác tiêu biểu được viện dẫn là dự án “Thúc đẩy hợp tác trường đại học-doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ” (BUILD-IT). Qua 8 năm thực hiện dự án, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Đại học Bang Arizona, các đối tác doanh nghiệp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ, mang lại những chuyển biến trong giáo dục đại học như nâng cao chương trình giảng dạy để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.

 
Hon 100 chuyen gia ban cach phat trien nguon nhan luc STEM hinh anh 2Giảng viên Đại học Phenikaa thưc hiện nghiên cứu khoa học. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho rằng điều này đã mang lại thay đổi mang tính hệ thống, thúc đẩy sự tự chủ và đổi mới ở các trường đại học Việt Nam. Phương pháp tiếp cận dựa trên quan hệ đối tác của dự án BUILD-IT đã thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu của giới học thuật và doanh nghiệp. Các trọng tâm mũi nhọn trong mảng học tập dựa trên dự án và thiết lập không gian sáng chế tiên tiến cũng như phòng thí nghiệm hiện đại đã thúc đẩy khả năng đổi mới sáng tạo của hàng nghìn sinh viên, dẫn đến hơn 300 dự án xuất sắc ngoài mong đợi, tạo động lực cho sự tiến bộ.

[Ngày hội STEM 2022 - Kết nối học sinh, sinh viên các vùng miền]

Phiên thảo luận "Tiếng nói của doanh nghiệp: Phát triển nguồn nhân lực STEM của Việt Nam trong tương lai" đã tập hợp các lãnh đạo doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm từ những “gã khổng lồ” như Intel, Paradox, Oracle, Boeing và Amkor. Những đại diện đến từ các doanh nghiệp đầu ngành này đã đi sâu vào các chủ đề phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp và nhà trường, giải quyết các thách thức và vạch ra các lộ trình chiến lược hướng tới việc nuôi dưỡng nguồn nhân tài STEM của Việt Nam.

Trong khi đó, Phiên thảo luận "Tạo lộ trình đến với giáo dục STEM thông qua học tập trực tuyến và kỹ thuật số suốt đời trên quy mô lớn" đặt ra vấn đề đào sâu việc triển khai giáo dục STEM toàn diện thông qua các nền tảng kỹ thuật số.

Các đại biểu cũng thảo luận về đào tạo lại lực lượng lao động STEM thông qua các chương trình chứng chỉ; xây dựng kỹ năng nghề nghiệp với phương pháp học tập dựa trên trải nghiệm và dự án bên ngoài các lớp học truyền thống. Bên cạnh đó, hội nghị cũng dành thời gian thảo luận các vấn đề của giáo dục đại học hiện nay như quyền tự chủ, mô hình đại học kiểu mới…

Hon 100 chuyen gia ban cach phat trien nguon nhan luc STEM hinh anh 3Sinh viên trao đổi với đại diện các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội thực tập. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực STEM cũng là vấn đề đã được các đại học và cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam đặt ra. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số sinh viên, tỷ lệ sinh viên khối STEM của Việt Nam ở trình độ đại học nằm ở mức tương đương với nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới, nhưng ở trình độ sau đại học lại thấp hơn hàng chục lần. Tỷ lệ học viên sau đại học khối STEM chỉ chiếm chưa đến 4% tổng số sinh viên các trình độ đào tạo nhóm ngành này, tỷ lệ nghiên cứu sinh ở mức dưới 0,4%.

Trong khi đó, báo cáo Tương lai việc làm của Diễn đàn kinh tế thế giới (các năm 2016, 2020, 2023) cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nhiều năm tới.

Vì vậy, Hội nghị Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học càng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực STEM ở Việt Nam./.

Phạm Mai (Vietnam+)