Hồi sinh nơi lũ quét đi qua

09:22 - 25/01/2023

Gần 3 tháng sau trận lũ lịch sử tràn qua huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An), dù sự ám ảnh, nỗi lo sợ vẫn còn nhưng người dân đã gượng dậy, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, cộng đồng để khôi phục, tái thiết cuộc sống, đón một cái Tết tuy còn thiếu thốn nhưng ấm áp tình người.

Gần 3 tháng sau trận lũ lịch sử tràn qua huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An), dù sự ám ảnh, nỗi lo sợ vẫn còn nhưng người dân đã gượng dậy, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, cộng đồng để khôi phục, tái thiết cuộc sống, đón một cái Tết tuy còn thiếu thốn nhưng ấm áp tình người.



Gượng dậy sau đau thương 

Cho đến giờ, trận lũ quét vào ngày 2/10/2022 vẫn khiến người dân ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ và một phần thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) ám ảnh. Anh Vi Văn Thông ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ vẫn nhớ như in dòng nước cuồn cuộn trong cơn lũ lịch sử. Chỉ sau vài giờ đồng hồ cơn lũ đến, ngôi nhà bên suối Huồi Giảng mà vợ chồng anh tích góp xây dựng đã bị cuốn phăng. Không còn nơi tá túc, người vợ phải ôm con mới sinh về quê ngoại ngoài Bắc, còn anh ở tạm tại nhà bố mẹ đẻ. Ông bố trẻ không khỏi lo lắng cho tương lai khi nhà cửa không còn. 

 

g1

Ông Vi Văn Kỷ vui mừng vì nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và người dân từ khắp nơi.

Hay như hoàn cảnh của vợ chồng ông Vi Văn Kỷ (SN 1971), bản thân ông bị bệnh ung thư gan, nay tài sản lớn nhất là ngôi nhà sàn lại bị nước lũ cuốn đi. “Hôm đó nước lũ về nhanh quá, tôi và vợ chỉ biết bỏ của chạy lấy người. Khi trở về, căn nhà tan hoang, vợ chồng tôi phải tận dụng tấm nan giường còn sót lại làm nơi ngủ”, ông Kỷ cho hay. 

Nỗi ám ảnh, sợ hãi về trận lũ quét lịch sử đến nay vẫn còn trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ của người dân. Theo chia sẻ của bà Ngân Thị Tâm, cơn lũ đã cuốn trôi ngôi nhà của bà và hai con trai. Không còn nhà, gia đình phải dựng lán tạm, rồi đi thuê phòng trọ với chi phí mỗi tháng 1 triệu đồng/phòng. 

Theo thống kê của huyện Kỳ Sơn, cơn lũ xảy ra ngày 2/10/2022 đã làm 1 người chết, gây thiệt hại 621 ngôi nhà, trong đó có 55 ngôi nhà bị trôi hoàn toàn. Có 269 nhà phải di dời khẩn cấp, trong đó Tà Cạ là xã phải di dời nhiều nhất với 218 nhà...Nhiều công trình giao thông, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và giao thông liên bản, nội bản bị sạt lở nặng, thiệt hại ước tính 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lũ cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc, hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản, đời sống dân sinh...với tổng thiệt hại cả đợt là trên 215 tỷ đồng.

Bản Hòa Sơn có 244 hộ dân, đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 80%. Sau lũ, bản làng hoàn toàn biến dạng, nhiều ngôi nhà rất khó xác định vị trí vì giờ đã nằm trọn trong dòng khe Huồi Giảng. Hàng ngàn khối đất đá đã đổ xuống... Trưởng bản Hòa Sơn, ông Vi Văn Truyền phải thốt lên rằng“đó là trận lũ quét kinh hoàng”và bản làng khó trở lại như xưa được nữa. Nỗi buồn, niềm trăn trở sẽ còn kéo dài... 

Tái thiết cuộc sống cho bà con 

Lũ quét xảy ra bất ngờ khiến cuộc sống của bà con đồng bào vốn đã khó khăn, thiếu thốn nay càng chật vật hơn. Nhưng điều an ủi đối với bà con là đã kịp thời nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban ngành và nhiều tấm lòng hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc. 

g2

Niềm vui của một cụ bà trước món quà thiết thực của đoàn thiện nguyện.

Ông Vi Văn Truyền xúc động: “Trong lúc bà con gặp khó khăn nhất đã kịp thời nhận được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp và mọi người từ khắp nơi. Đoàn thì hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đoàn lại tặng cho bà con những nhu yếu phẩm cần thiết như nồi, niêu xoong chảo hay chăn, màn... Tình cảm đặc biệt đó chúng tôi sẽ luôn khắc ghi, cảm tạ”. 

Bên cạnh sự giúp đỡ, hỗ trợ từ bên ngoài thì những người cùng gặp hoạn nạn cũng cưu mang, bao bọc nhau, đúng với câu “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Các hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà đều được bà con lối xóm, anh em họ hàng cho ở nhờ. Ông Vi Văn Kỷ cho biết: “Không biết đến bao giờ chúng tôi mới có lại căn 

nhà để ở. Nhưng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới mọi người gần xa trong cơn hoạn nạn đã giúp đỡ gia đình tôi bằng cách này hay cách khác”. 

Trong ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã làm lễ khởi công xây dựng 2 cây cầu dân sinh cho bản Hòa Sơn, Na Nhu; tặng 1 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ bản Hoà Sơn 60 triệu đồng để mua sắm thiết chế văn hóa cho Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An đã trao tiền xây dựng 5 ngôi nhà cho người dân. Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ tỉnh và huyện Kỳ Sơn cũng trao các suất quà tặng các hộ dân bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ.

Để giúp bà con vùng lũ khắc phục hậu quả sau lũ quét, huyện Kỳ Sơn đã trích ngân sách hỗ trợ cho nhiều hộ dân. Bên cạnh đó, sau khi lũ qua đã có hơn 600 tổ chức, cá nhân hỗ trợ huyện Kỳ Sơn 55 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Ban cứu trợ của địa phương thông qua nguồn xã hội hóa cũng đã hỗ trợ hàng trăm hộ dân. Ngoài ra còn nhiều tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm được các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân hỗ trợ đến bà con. 

Chia sẻ thêm về công tác hỗ trợ người dân tái thiết cuộc sống sau lũ, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho hay, sau khi lũ quét xảy ra, chính quyền đã hỗ trợ nóng cho mỗi hộ dân bị sập nhà 10 triệu đồng. 

Đồng thời kêu gọi các đoàn thể, nhà hảo tâm giúp đỡ bà con. Chính quyền huyện sẽ nỗ lực, cố gắng để tái thiết cuộc sống cho người dân, đảm bảo không để ai thiếu ăn, thiếu chỗ ngủ. 

Về dự án tái định cư cho người dân, ông Thò Bá Rê cho biết, huyện Kỳ Sơn mong muốn tỉnh và Trung ương đẩy nhanh tiến độ nhất có thể để có mặt bằng cho người dân xây nhà. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để giúp bà con sớm an cư, lạc nghiệp, ổn định cuộc sống, trước mắt là đón một cái Tết đầm ấm.