Hồi sinh Bồ Bát - “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng

15:19 - 31/07/2024

Bằng sự khéo léo và tình yêu quê hương, những người thợ đã thổi hồn cho các sản phẩm gốm sứ bằng những nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu mang nét chấm phá ấn tượng của non nước Ninh Bình.

Các sản phẩm gốm Bồ Bát. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
Các sản phẩm gốm Bồ Bát. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Ngoài làng nghề truyền thống nổi tiếng như thêu Văn Lâm, đá mỹ nghệ Ninh Vân,… Ninh Bình còn có một làng nghề được nhiều nhiều biết đến, đó là làng gốm Bồ Bát - nơi được xem là làng nghề gốm sứ thuở sơ khai, là “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng ngày nay.

Nghề gốm cổ Bồ Bát bắt nguồn từ làng Bạch Bát-Bồ Xuyên, chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu xưa, nay là làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Năm 1999, các nhà khảo cổ Việt Nam tiến hành khai quật di chỉ Mán Bạc lần thứ nhất, tìm thấy được năm mộ táng và sáu cá thể cùng nhiều mảnh gốm.

 

Lần khai quật thứ hai với diện tích 24m2 tìm thấy 10 mộ táng và 11 cá thể, thu được 38 rìu, tám cái đục, sáu chuỗi hạt, 10 mảnh vòng gốm, ba nồi gốm và ba hình nấm khá nguyên vẹn cùng nhiều mảnh gốm dày đặc. Điều này chứng tỏ nghề gốm Bồ Bát đã hình thành và phát triển từ thời đó.

Gốm Bồ Bát đã có hàng nghìn năm lịch sử. Điều này đã được xác nhận qua dấu tích của những lớp đất nung, mảnh gốm ken dày đặc được tìm thấy rất nhiều ở vùng này.

Khác với việc sử dụng chất liệu đất sét vàng như gốm Gia Thủy (huyện Nho Quan, Ninh Bình), gốm cổ Bồ Bát được làm bởi nguồn đất sét trắng quý hiếm chỉ ở vùng này mới có.

Nơi đây có loại đất sét Bồ Di còn gọi là đất non sương rất quý hiếm. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng, chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác.

ttxvn-bo bat1.jpg
Thợ làm gốm Bồ Bát. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Thời Đinh-Tiền Lê, những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp để tiến vua như gạch đất nung “Đại Việt quốc quân thành chuyên” - loại gạch chuyên dùng để xây thành, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng...

Năm 1010, vua Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long và trở thành trung tâm chính trị-kinh tế của nước Đại Việt. Do nhu cầu xây dựng và phát triển kinh thành, nhiều thương nhân, thợ thủ công từ khắp nơi tìm về Thăng Long làm nghề và lập nghiệp.

Sự ra đời và phát triển của Thăng Long tác động sâu sắc đến kinh tế của các vùng miền chung quanh, trong đó có làng Bồ Bát. Đặc biệt, nơi đây nguồn đất sét quý, nguyên liệu quan trọng cho nghề gốm sứ phát triển.

Một số nghệ nhân gốm của làng Bồ Bát di dời ra Thăng Long lập nghiệp. Ban đầu, có năm người thuộc các dòng họ Lê, Trần, Vương, Phạm, Nguyễn cùng gia quyến. Họ cùng đến vùng 72 gò đất sét trắng gần sông Hồng rồi cùng với dòng họ Nguyễn Ninh Tràng lập thành phường. Nghề gốm ngày một phát triển, số gia đình làng Bồ Bát kéo ra Thăng Long ngày càng nhiều, nhất là thời Lê Trung Hưng.

Đình làng Bát Tràng ngày nay còn hai câu đối ghi dấu tích: "Bồ di thủ nghệ khai đình vũ/Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần" (nghĩa là “Đem nghề nghiệp từ làng Bồ Bát ra đây để xây dựng đình miếu/Lòng dân thành kính tựa hương lan dâng lên cúng thánh thần”).

Sau khi những nghệ nhân ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, những người ở lại chủ yếu làm nghề nông để sinh sống và lãng quên đi cái nghề từng hưng thịnh một thời và nghề gốm Bồ Bát đã bị thất truyền từ đó.

ttxvn-bo bat4.jpg
Nghệ nhân Phạm Văn Vang (phải) - người "hồi sinh" làng gốm Bồ Bát và trở thành thương hiệu gốm được ưa chuộng, hướng dẫn thợ vẽ trên gốm. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Hồi sinh nghề gốm cổ

Ngày nay, cùng với sự phát triển của du lịch Ninh Bình, nghề gốm cổ truyền thống làng Bồ Bát cũng trỗi dậy và phát triển. Sản phẩm gốm, sứ Bồ Bát rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa … đến những sản phẩm lưu niệm, trang trí như chuông gió, vòng cổ, tranh gốm mỹ thuật…

Theo những người thợ ở đây, để cho ra một sản phẩm hoàn thiện, người thợ phải trải qua hàng chục công đoạn bao gồm chọn đất, luyện, ép thành từng thỏi; sau đó tạo hình sản phẩm, phơi hoặc sấy khô sản phẩm thô, chỉnh sửa và chuốt qua cho mịn.

Tiếp đó, người thợ phải tỉ mỉ trang trí họa tiết, nung sơ trong lò với nhiệt độ ổn định ở mức 650 độ C, làm men, sửa men, cuối cùng là nung hoàn thiện và phân loại, đóng gói.

Riêng công đoạn tạo hình sản phẩm là khâu khó nhất trong kỹ thuật sản xuất đồ gốm, được chia ra ba phương thức gồm tạo hình thủ công bằng tay, pha lỏng đất sét để rót vào khuôn hoặc được in bằng máy trên bàn in.

Bên cạnh đó, công đoạn trang trí họa tiết cũng gồm ba khâu nữa là vẽ bằng mực, đắp nặn bằng đất và dán hình ảnh. Để hoàn thiện sản phẩm, người thợ phải cẩn thận trong từng động tác, từng khâu sản xuất, nếu chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ phải bỏ đi toàn bộ sản phẩm.

Bằng sự khéo léo và tình yêu quê hương, những người thợ của làng nghề đã thổi hồn cho các sản phẩm gốm sứ bằng những nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu mang nét chấm phá ấn tượng của non nước Ninh Bình.

ttxvn-bo bat2.jpg
Vẽ hoa văn trên sản phẩm gốm. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện nay sản phẩm gốm Bồ Bát còn gắn với các hình ảnh du lịch đặc trưng của mảnh đất Cố đô như khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, chùa Bái Đính… từ đó góp phần quảng bá hình ảnh về vùng đất Cố đô ngàn năm lịch sử cùng những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp hiếm nơi nào có được.

Những nỗ lực phục dựng lại nghề gốm cổ Bồ Bát này có ý nghĩa rất lớn trong việc hồi sinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô cổ kính, góp phần bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời của cha ông./.

Nguồn: Hồi sinh Bồ Bát - “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng | Vietnam+ (VietnamPlus)