Hội nhập & Phát triển

08:26 - 04/08/2023

Những ngày vừa qua, một vấn đề thời sự không chỉ của Việt Nam, mà cả thế giới, là cơ hội của hạt gạo xuất khẩu đi các nước. Việc Ấn Độ, Nga, UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo và biến động địa chính trị trên thế giới, khiến nhiều nước tăng nhập khẩu gạo. Đó cũng là thời cơ cho gạo Việt, cơ hội cho người trồng lúa.

Những ngày vừa qua, một vấn đề thời sự không chỉ của Việt Nam, mà cả thế giới, là cơ hội của hạt gạo xuất khẩu đi các nước. Việc Ấn Độ, Nga, UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo và biến động địa chính trị trên thế giới, khiến nhiều nước tăng nhập khẩu gạo. Đó cũng là thời cơ cho gạo Việt, cơ hội cho người trồng lúa.



amh-449

Ảnh minh họa

Chưa bao giờ giá gạo Việt Nam cao như vậy. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, Việt Nam dự kiến xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo, đạt giá trị 4,1 tỷ USD.

Câu chuyện xuất khẩu gạo những ngày qua, là minh chứng rõ nhất, thuyết phục nhất về chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước.

Mới đây, ngày 2/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế”, chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Thực tiễn triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cho thấy đây là một định hướng chiến lược hết sức đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước ta.

Việt Nam đã thành công, chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế là chủ yếu; sang hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa - xã hội. Từ tham gia là chủ yếu; sang chủ động, tích cực đề xuất sáng kiến, xây dựng và định hình luật chơi; vừa hợp tác, vừa đấu tranh.

Từ câu chuyện hạt gạo xuất khẩu đang “thời sự”, nhìn rộng ra, năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 730 tỷ USD. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019 - 2022, năm 2022 đạt 431 tỷ USD...

Hai năm dịch bệnh COVID-19, càng cho thấy ý nghĩa của hội nhập quốc tế, khi phải “đương đầu” với những thách thức phi truyền thống, như dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Ngay cả lĩnh vực tư pháp, hội nhập quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu. Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế, các thiết chế pháp lý song phương, đa phương. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đào tạo nhân lực, đội ngũ cán bộ có cơ hội tiếp cận với hệ thống pháp luật và các chuẩn mực quốc tế cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong các giao lưu dân sự, thương mại quốc tế.

Tại phiên họp mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là thời điểm để chúng ta phải tạo ra được các bước phát triển mới về chất trong hội nhập quốc tế, đưa được đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới và tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước. Để làm được điều này, rõ ràng phải tính tích cực, chủ động, sáng tạo hơn nữa; nhất là kiến tạo môi trường hội nhập thực sự hiệu quả.