Văn bản được cụ thể hóa các nội dung, phương thức phối hợp hiệp đồng giữa Ban chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn hàng không thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh Quảng Ninh trong khu vực địa giới hành chính của tỉnh Quảng Ninh để nhằm đảm bảo tốt công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hàng không được triển khai nhanh chóng, đạt hiệu quả cao nhất, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản khi có tàu bay hàng không dân dụng bị lâm nguy, lâm nạn xảy ra.
Đại diện Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Quảng Ninh và BCH TKCNCH Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. (Ảnh: VATM)
Theo đó, ngày 28/5/2024, tại Quảng Ninh, Lễ ký kết văn bản hiệp đồng phối hợp công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không giữa Ban chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn hàng không thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh được diễn ra.
Tại buổi lễ, đồng chí Thiếu tướng Lã Đại Phong – Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (UBQGƯPSCTT&TKCN) đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, nỗ lực hết mình của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam nói chung và Trung tâm phối hợp TKCN hàng không nói riêng, trong xây dựng ký kết các văn bản hiệp đồng phối hợp công tác TKCN hàng không với các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các huyện đảo nơi có các cảng hàng không, sân bay, để chủ động sẵn sàng ứng phó với các loại hình tai nạn tàu bay dân dụng.
Đồng chí Thiếu tướng Lã Đại Phong – Phó Chánh văn phòng UBQGƯPSCTT&TKCN phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: VATM)
Thời gian tới, đồng chí đề nghị có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan và đặc biệt Cục hàng không dân dụng, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cảng hàng không, sân bay. Tiếp tục triển khai ký kết các văn bản phối hợp công tác TKCN hàng không, xây dựng kế hoạch, kịch bản diễn tập xử lý các tình huống liên quan đến ứng phó sự cố tai nạn, thảm họa hàng không trên khu vực trách nhiệm, vùng thông báo bay, lãnh thổ, lãnh hải, thềm lục địa của Việt Nam.
Được biết, nội dung phối hợp sẽ bao gồm: Phối hợp và thực hiện công tác TKCN hàng không khi có tàu bay hàng không dân dụng lâm nguy, lâm nạn trong khu vực trách nhiệm thuộc tỉnh Quảng Ninh; Trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến công tác TKCN hàng không giữa hai bên; Phối hợp tổ chức tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác TKCN hàng không; phối hợp xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập TKCN hàng không trong khu vực trách nhiệm tỉnh Quảng Ninh; Hỗ trợ nhau về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cho công tác TKCN hàng không khi được yêu cầu.
Bến cạnh đó, Văn bản hiệp đồng thống nhất về nguyên tắc phối hợp tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “4 tại chỗ” trong công tác PCTT&TKCN gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đảm bảo sự chỉ huy, chỉ đạo điều hành tập trung, thống nhất giữa BCH tỉnh Quảng Ninh và BCH TKCN hàng không thuộc Tổng công ty về công tác TKCN hàng không theo hướng phối hợp cùng cấp, cùng địa bàn, khu vực và thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên trực tiếp của mỗi đơn vị.
Quan hệ giữa hai bên là quan hệ phối hợp, dựa trên nguyên tắc đảm bảo theo đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao; việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ cần kịp thời, chính xác, không vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc ảnh hưởng đến công tác chuyên môn nghiệp vụ của mỗi bên. Các lực lượng tham gia phối hợp phải chấp hành nghiêm sự chỉ huy, chỉ đạo thống nhất của người có thẩm quyền. Công tác TKCN hàng không tại khu vực tàu bay lâm nguy, lâm nạn phải khẩn trương, chủ động, kiên quyết và đúng quy định của pháp luật. Hai bên phải đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị khi tham gia công tác TKCN.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đã nêu lên được địa hình rất đặc thù của tỉnh. Chính vì điều này nên an ninh hàng không và công tác tìm kiếm cứu nạn là việc hết sức quan trọng và cần thiết trong khu vực tỉnh. Đồng chí cũng mong muốn thông qua việc ký kết văn bản hiệp đồng giữa hai bên này sẽ luôn duy trì cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, huấn luyện nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt huấn luyện về việc diễn tập vận hành cơ chế và các đợt huấn luyện có liên quan.
Ông Nguyễn Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng giám đốc, Công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đã chỉ ra rằng với vị thế là một đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong chuyên ngành hẹp, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Tổng công ty còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cấp bộ ngành trong hệ thống TKCN Quốc gia. Để khắc phục các khó khăn này, việc tăng cường công tác phối hợp thông qua việc ký kết các Văn bản hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia TKCN có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Hội nghị ký kết đã diễn ra thành công tốt đẹp, cả hai bên đã thống nhất được các điều khoản trong văn bản hiệp đồng. Cùng nhau góp phần quan trọng nâng cao tính kịp thời và hiệu quả trong công tác ứng phó khẩn nguy và TKCN hàng không, phối hợp hiệu quả nhất trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.