Hội chợ sách Hong Kong lần thứ 34 do Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (HKTDC) tổ chức, đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 17-23/7.
Hội chợ thu hút 760 nhà triển lãm đến từ 31 quốc gia và khu vực trên thế giới như Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan và các nước Argentina, Pháp, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam… với hơn 600 hoạt động văn hóa.
Hội chợ sách năm nay có chủ đề “Văn học điện ảnh và truyền hình,” tập trung quảng bá các tác phẩm chuyển thể văn học, tác phẩm điện ảnh và truyền hình, kịch bản phim truyền hình, văn hóa điện ảnh cùng đa dạng các loại sách phù hợp với nhiều đối tượng độc giả.
Tham gia hội chợ lần này, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong đã thiết kế không gian đậm chất điện ảnh, giới thiệu những tác phẩm văn học Việt Nam kinh điển và hiện đại đã được chuyển thể thành phim hoặc dịch ra nhiều ngôn ngữ.
Ngoài ra, gian hàng của Tổng Lãnh sự quán cũng có các đầu sách mang biểu trưng về văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ẩm thực để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó có Báo Ảnh Việt Nam phiên bản tiếng Anh và Trung Quốc của Thông tấn xã Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Hong Kong, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Lê Đức Hạnh chia sẻ văn hóa đọc là một trong những điều dễ chia sẻ nhất giữa các đất nước, dân tộc, làm cho mỗi người chúng ta gần gũi, gắn bó và hiểu biết lẫn nhau hơn và điện ảnh cũng vậy.
Hội chợ sách với chủ đề “Văn học điện ảnh và truyền hình” năm nay là cơ hội lớn để Tổng Lãnh sự quán Việt Nam giới thiệu hình ảnh của đất nước, văn học, cũng như nền điện ảnh Việt Nam đến với độc giả Hong Kong và thế giới.
Thông qua hội chợ sách thường niên, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam sẽ cố gắng giới thiệu Việt Nam đến gần gũi hơn với thế giới, qua đó thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về ngoại giao văn hóa.
Gian hàng của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam trưng bày đa dạng các ấn phẩm, từ truyện thơ cổ điển bằng chữ Quốc ngữ, chữ Nôm, tiếng Anh/Pháp như: “Truyện Kiều,” “Lục Vân Tiên,” đến các tác phẩm văn học nổi bật trước cách mạng đã được dựng thành phim của những tác giả tên tuổi như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng với các tác phẩm và các bộ phim kinh điển như: “Làng Vũ Đại ngày ấy,” “Trò đời,” các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn học cùng tên như: “Giông tố,” “Bỉ vỏ,” “Lá ngọc cành vàng,” “Vợ chồng A Phủ…"
Trong “Không gian Việt Nam” tại Hội chợ sách, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong cũng có góc trưng bày các cuốn sách mang tính lịch sử và các sách biểu trưng văn hóa, nghệ thuật để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè Hong Kong và quốc tế, là cầu nối văn hóa, giúp bạn đọc quốc tế khám phá sâu hơn về tâm hồn, cuộc sống và văn hóa Việt Nam thông qua những câu chuyện ý nghĩa, vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và văn hóa như cuốn “Hồ Chí Minh với Quảng Đông-Hong Kong” bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán.
Một điểm đặc biệt của Hội chợ sách năm nay, Ban Tổ chức cũng đã mang đến các tác phẩm mang sự giao thoa, kết nối của văn hóa Việt Nam với Hong Kong và thế giới như cuốn “Người tình” (tựa gốc: L’amant), phiên bản văn học và phiên bản điện ảnh, trong đó Việt Nam thời Pháp thuộc hiện lên sống động, chân thực và hấp dẫn người xem thông qua mối tình lãng mạn nhưng đầy bi kịch giữa cô gái Pháp và người đàn ông Trung Hoa, là bức tranh chân thực về xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc.
“Người tình” cũng đã góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam và thu hút sự quan tâm của thế giới đối với văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Đặc biệt, bản phim điện ảnh của “Người tình” có sự tham gia đóng chính của tài tử Hong Kong Lương Gia Huy, phiên bản được nhiều người hâm mộ trên thế giới yêu thích và đã trở thành một phần ký ức khó phai trong lòng khán giả đại chúng.
Ban Tổ chức cũng giới thiệu đến hai cuốn sách đặc biệt phiên bản Việt-Anh là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và cuốn "Điệp viên hoàn hảo.”
Anh Meer So, người dân Hong Kong, chia sẻ anh đặc biệt bị thu hút với gian trưng bày ấn tượng và đa dạng các đầu sách lấy chủ đề là văn học của Việt Nam năm nay.
Anh đặc biệt ấn tượng các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Du và Ngô Tất Tố và điều đó đã thôi thúc anh tiếp tục khám phá vẻ đẹp của văn học Việt Nam.
Chị Cecilia Tsu, người dân Hong Kong, cho biết chị từng cùng mẹ đi tham quan Hà Nội và cảm nhận được thành phố này tràn đầy sức sống, chị cũng đã được tiếp xúc với những người dân thân thiện nơi đây.
Chị Cecilia Tsui chia sẻ đồ ăn Việt Nam rất ngon, các nguyên liệu không quá phức tạp nhưng vẫn làm cho món ăn có sức cuốn hút khó cưỡng như phở, càphê trứng.
Chị hy vọng sẽ có dịp được đi du lịch Hạ Long vì được biết nhiều thông tin về thắng cảnh này qua các công ty du lịch.
Hội chợ sách Hong Kong 2024 không chỉ là nơi giao lưu, trưng bày các tác phẩm mà còn là dịp để các nền văn hóa giao thoa và lan tỏa những giá trị tốt đẹp thông qua văn học, điện ảnh.
Sự hiện diện của văn học Việt Nam tại sự kiện lần này đã góp phần khẳng định vị thế và sức hút của văn hóa Việt trên trường quốc tế nói chung và Hong Kong nói riêng.
Hội chợ sách Hong Kong ngoài giúp khách tham quan khám phá niềm vui đọc sách cũng như sức hấp dẫn độc đáo của văn học điện ảnh và truyền hình Hong Kong thông qua chủ đề “Văn học điện ảnh và truyền hình” mà đây còn là dịp để quảng bá văn hóa, du lịch của Hong Kong và các nước.
Hội chợ sách Hong Kong năm 2023 thu hút gần 1 triệu khách tham quan trong bảy ngày liên tiếp./.
Nguồn: Hội chợ sách - cầu nối văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và Hong Kong | Vietnam+ (VietnamPlus)