Hoan thien hanh lang phap ly thich ung thi truong hoi nhap hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Trước bối cảnh thương mại tự do, nhất là hậu dịch COVID-19, không chỉ thói quen người tiêu dùng thay đổi mà sự chuyển đổi của một số nền kinh tế lớn trên thị trường toàn cầu đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi mỗi quốc gia phải không ngừng thích ứng với thị trường hội nhập.

Trong hoạt động thương mại, cả giao dịch trực tiếp (offline) lẫn trực tuyến (online) cần có hành lang pháp lý chặt chẽ và phù hợp với xu hướng phát triển thị trường, nên xây dựng và hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và đồng bộ với những luật đang hiện hành có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế hội nhập thị trường thương mại tự do như Việt Nam.

Bài 1: Bảo về quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau 12 năm thực thi cho thấy đã góp phần tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng nhưng với bối cảnh hội nhập thương mại tự do như hiện nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định.

Xây dựng và hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng là nhu cầu tất yếu, cụ thể dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có nhiều điều chỉnh tích cực so với luật hiện hành, nhưng theo các chuyên gia, doanh nghiệp vẫn cần điều chỉnh, bổ sung thêm một số vấn đề để thích ứng tốt với thị trường trong và ngoài nước.

Người tiêu dùng là trung tâm

 

Ghi nhận ý kiến các chuyên gia tại Thành phố Hồ Chí Minh đều đánh giá dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã đưa vào hệ thống quy định về nền tảng bán hàng, đăng ký gian hàng... là những sửa đổi rất ý nghĩa. Tuy nhiên, một trong những vấn đề cốt lõi mà mọi thành phần kinh tế quan tâm là khái niệm "người tiêu dùng" quy định trong luật sửa đổi như thế nào.

Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, cách đây khoảng một năm, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được đưa ra góp ý và ý kiến đóng góp của nhiều thành phần kinh tế - xã hội đã được Ban soạn thảo quan tâm lắng nghe, bổ sung.

Dự thảo với 79 Điều cho thấy, có rất nhiều sự đổi mới thể hiện sự tiến bộ, nghiên cứu sâu sát tình hình thực tế, tham khảo Luật bảo vệ tiêu dùng của nước ngoài, rà soát các luật khác liên quan.

[Đánh giá kỹ đặc thù khi sửa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng]

Tuy nhiên, về khái niệm người tiêu dùng quy định tại Điều 3 dự thảo đưa ra hai phương án, với phương án 1 thì người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại.

Còn với phương án 2 thì người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

Trên cơ sở này, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị nên chọn phương án 2 bởi trên thực tế người tiêu dùng là người mua hàng hóa và dịch vụ cho việc sử dụng riêng của mình. Hay có thể nói cách khác, người tiêu dùng cũng có thể là người mua hàng hóa, hay dịch vụ cho sự cần dùng cá nhân và không bán lại, hoặc dùng để sản xuất loại sản phẩm khác để bán lại.

Hoan thien hanh lang phap ly thich ung thi truong hoi nhap hinh anh 2Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tiêu hủy hàng hóa vi phạm hàng giả, hàng nhái. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Còn đại diện Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, so sánh tương quan giữa người tiêu dùng tổ chức với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì cần xét đến tính chất của hàng hóa, dịch vụ, cũng như đặt trong điều kiện, hoàn cảnh, phương thức của việc giao dịch.

Nếu xác định khái niệm người tiêu dùng chưa thực sự rõ ràng, nhất là không tách bạch giữa “tiêu” và “dùng” sẽ có thể dẫn đến những tranh cãi bất tận trong vụ việc tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, gây khó cho cơ quan nhà nước trong xử lý vụ việc.

Hàng loạt câu hỏi được đưa ra như, nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được ban hành và đi vào thực tế mà vẫn còn băn khoăn đối với trường hợp người mua và sử dụng sản phẩm, hàng hóa là nguyên liệu về để chế biến thành sản phẩm kinh doanh nhỏ lẻ thì có được xem là người tiêu dùng hay không. Nếu trong quá trình mua nguyên liệu có vấn đề thì được Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ ra sao.

Về nghĩa vụ của người tiêu dùng, khi so sánh với luật hiện hành thì dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã tăng thêm hai nghĩa vụ. Cụ thể, ở Khoản 4 quy định trách nhiệm người tiêu dùng tuân thủ các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

Một số đại diện hiệp hội ngành nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực phía Nam nói riêng cũng đề xuất, cần sửa cụm từ “tuân thủ các trách nhiệm” thành “thực hiện các nghĩa vụ” vì đối với trách nhiệm thì buộc “phải chịu” chớ không là điều “tuân thủ.” Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cân nhắc xem lại dùng cụm từ “nghĩa vụ người tiêu dùng” phù hợp và chính xác hơn “trách nhiệm người tiêu dùng.

Cụ thể hóa quy định

Theo cộng đồng doanh nghiệp, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi trong người tiêu dùng mà còn đối với nhiều bên liên quan như doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...

Hoan thien hanh lang phap ly thich ung thi truong hoi nhap hinh anh 3Khách hàng mua sắm tại một siêu thị. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Vì vậy, xây dựng hành lang pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là yêu cầu tất yếu để làm tiền đề cho việc tăng cường hiệu quả thực thi quy định pháp luật trong bối cảnh mới.

Hơn thế nữa, chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn là mảng chính sách phức tạp, đảm bảo thực thi càng không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh phương thức kinh doanh phi truyền thống ngày càng đa dạng, mối quan hệ giữa các bên trong giao dịch thương mại ngày càng phát sinh nhiều khía cạnh mới.

Những nguyên nhân này là lý do pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần sửa đổi và hoàn thiện không ngừng để đạt được hiệu quả trong thực thi cơ chế chính sách quản lý nhà nước.

Trên thực tế, người tiêu dùng hiện nay quan tâm đến những vấn đề sức khỏe cũng đòi hỏi ngày càng cao về an toàn sản phẩm hàng hóa khi sử dụng và quy định pháp luật cụ thể. Vì vậy, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) rất cần có sự phối hợp liên ngành giữa các Bộ trong quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ về quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vấn đề liên quan đến người tiêu dùng.

Bà Phan Thị Hương Giang, Giảng viên trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất bên cạnh quy định trách nhiệm của người tiêu dùng thì cần bổ sung quyền kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận, sử dụng vào trong Điều 4 của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Ngoài ra, quyền được trả lại sản phẩm, hàng hóa và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sản phẩm, hàng hóa cần được áp dụng không chỉ đối với hàng hóa có khuyết tật mà còn phải áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa không đúng như quảng cáo, giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Đặc biệt, một quy định mới được đưa vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) như tại điểm d, khoản 2 Điều 33, bổ sung chủ thể bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra bao gồm tổ chức, cá nhân trung gian thương mại.

Việc bổ sung thêm chủ thể này yêu cầu phải quy định rõ các chủ thể khác nhau sẽ chịu trách nhiệm như thế nào trong việc bồi thường thiệt hại khai chuỗi cung ứng hàng hóa đi qua nhiều chủ thể khác nhau.

"Trong khoản 2 Điều 33, Ban soạn thảo cũng cần quy định rõ các trường hợp mà các chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra. Đồng thời, Ban soạn thảo nên bỏ điểm đ Khoản 2 Điều 33, về tổ chức, cá nhân trung gian thương mại ra khỏi nhóm chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra," bà Phan Thị Hương Giang đề xuất thêm.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhìn chung đã chứa đựng những quy định mới và tiến bộ hơn rất nhiều so với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, nhưng cộng đồng doanh nghiệp cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp với xu hướng thị trường, nhằm đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng và cụ thể của luật. Qua đó, giúp Luật này được áp dụng hiệu quả hơn trong thực tế, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng sau khi ban hành và có hiệu lực thực thi./.

Đón đọc bài 2: Giao dịch điện tử an toàn

Bài cuối: Tăng pháp lý về tranh chấp thương mại

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)