Hoàn thành tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lý Nam Đế

14:04 - 01/11/2024

Dự án được triển khai trên tổng diện tích 7.500m2 với tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn xã hội hóa, vốn huy động hợp pháp khác.

Một góc di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lý Nam Đế sau khi được tu bổ, tôn tạo. (Ảnh: TTXVN phát)
 
Một góc di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lý Nam Đế sau khi được tu bổ, tôn tạo. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau hơn 4 năm khởi công (tháng 5/2020), đến tháng 11/2024, Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục) tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành.

Dự án được triển khai trên tổng diện tích 7.500m2 với tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn xã hội hóa, vốn huy động hợp pháp khác do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư.

Công trình gồm các hạng mục chính: Nghi môn, cột cờ, đền Mẫu, tháp chuông - tháp trống, lầu Cô-lầu Cậu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật...

 

Theo hồ sơ khoa học di tích tỉnh Thái Nguyên, Lý Nam Đế, sinh năm Quý Mùi (503) tại thôn Cổ Pháp, châu Giã Năng, nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên.

Đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục) được nhân dân địa phương xây dựng để thờ phụng vua Lý Nam Đế - người anh hùng gắn với cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, thành lập nhà nước Vạn Xuân (542-602), đánh dấu một mốc son trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

ttxvn_den tho ly nam de (1).jpg
Tượng vua Lý Nam Đề tại đền Mục. (Ảnh: TTXVN phát)
 

Lý Nam Đế là vị vua đầu tiên ở nước ta tự xưng hoàng đế, có tầm nhìn chiến lược khi nhận ra vị trí địa lý trung tâm của vùng đất Tô Lịch (Hà Nội cổ) từ giữa thế kỷ thứ 6.

Mảnh đất Phổ Yên, quê hương của Lý Nam Đế cũng là một “hậu phương chiến lược,” cung cấp lương thực và lực lượng cho nghĩa quân, góp sức làm nên sự nghiệp đánh thắng giặc Lương, lập nên nhà nước Vạn Xuân.

Khu di tích lịch sử Lý Nam Đế bao gồm đền Mục, chùa Hương Ấp, chùa Mãn Tăng... Ngoài ra còn có một số địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc, cứu nước của ông như Cổ Pháp, cánh đồng Tráng, bãi Quần Ngựa, đồi Cao Vương, Trung Năng, Giã Năng, Giã Thù, Giã Trung...

Năm 2014, Di tích lịch sử Chùa Hương Ấp và Đền Mục đã được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.

Trải qua biến cố của lịch sử và thời gian, các hạng mục công trình trong quần thể khu di tích xuống cấp nghiêm trọng, phần lớn các cấu kiện gỗ, kết cấu chịu lực đã bị mối, mọt và xuống cấp nghiêm trọng.

Từ năm 2016, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục).

Cùng với Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế, trong quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia Lý Nam Đế, Dự án tu bổ di tích chùa Hương Ấp ( triển khai từ năm 2023) cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

ttxvn_den tho ly nam de (2).jpg
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dâng hương tại Đền thờ Lý Nam Đế. (Ảnh: TTXVN phát)

Các dự án được đầu tư tu bổ, tôn tạo góp phần đưa Khu di tích lịch sử Quốc gia Lý Nam Đế tương xứng với vị trí và tiềm năng sẵn có, trở thành điểm nhấn trong quần thể du lịch văn hóa tâm linh của thành phố Phổ Yên và tỉnh Thái Nguyên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, du khách, trở thành nơi giáo dục lịch sử truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Khu di tích còn có những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch-dịch vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, cách thành phố Phổ Yên 6km, thành phố Thái Nguyên 20km và cách Thủ đô Hà Nội khoảng 50km với hệ thống đường giao thông được đầu tư đồng bộ, thuận tiện, dễ dàng kết nối với các điểm tham quan khác.

Khu di tích cũng nằm trong tuyến tham quan, du lịch từ thành phố Phổ Yên đi hồ Đại Lải, Khu du lịch Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), Khu du lịch Hồ Núi Cốc (thành phố Thái Nguyên).../.

Nguồn: Hoàn thành tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lý Nam Đế | Vietnam+ (VietnamPlus)