Hoàn thành hai kịch bản phương thức bay cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành - Biên Hòa
14:31 - 16/08/2024
Vùng trời và phương thức bay cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành - Biên Hòa được thiết kế theo hai kịch bản chính: Kịch bản khi không có hoạt động quân sự (kịch bản 1) và kịch bản khi có hoạt động quân sự (kịch bản 2) nhằm đảm bảo an toàn, cân bằng hoạt động bay giữa các bên liên quan.
Thông tin từ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho hay, đơn vị này vừa cơ bản hoàn thành dự thảo thiết kế chi tiết vùng trời và phương thức bay cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành - Biên Hòa. Dự thảo thiết kế này đã được Cục Hàng không Việt Nam thông qua phương án tổng thể thiết kế.
Theo VATM, đây là bước tiến quan trọng, đánh dấu sự "hòa chung nhịp đập" của các cơ quan và tổ chức, hướng tới mục tiêu đưa Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành về đích trong thời gian sớm nhất.
"Cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành - Biên Hòa có vị trí chiến lược quan trọng nên hoạt động quân sự tại đây có tính chất phức tạp, diễn ra thường xuyên và dày đặc. Do đó, vùng trời và phương thức bay được thiết kế theo hai kịch bản chính: Kịch bản khi không có hoạt động quân sự (kịch bản 1) và kịch bản khi có hoạt động quân sự (kịch bản 2) nhằm đảm bảo an toàn, cân bằng hoạt động bay giữa các bên liên quan", theo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam.
Cụ thể, khi không có hoạt động quân sự, kịch bản này tập trung vào việc tối ưu hóa vùng trời để phục vụ cho hoạt động bay hàng không dân dụng. Các phương án thiết kế trong kịch bản này đảm bảo sự an toàn - điều hòa - hiệu quả cho các chuyến bay, tối đa hóa khả năng tiếp thu của vùng trời và đường cất hạ cánh.
Trong khi đó, kịch bản khi có hoạt động quân sự đặc biệt phức tạp và yêu cầu sự đồng bộ cao giữa phương thức bay hàng không dân dụng và quân sự. Việc tính toán và xác định các vùng cấm bay, hành lang bay, loại hình hoạt động quân sự như huấn luyện, diễn tập hoặc các tác chiến phòng không… cũng cần được quan tâm. Việc đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay dân dụng trong khi vẫn thực hiện được các yêu cầu bay quân sự là một trong những thử thách của dự án thiết kế này.
Trước đó, với tính chất đặc biệt của "siêu dự án" Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, tháng 4/2023, Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập "Ban chỉ đạo triển khai nghiên cứu phương án tổ chức vùng trời và thiết kế phương thức bay cho cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành - Biên Hòa - Phan Thiết - Gò Găng" và thành lập "Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo".
Để triển khai nhiệm vụ này, tháng 9/2023, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã thành lập "Tổ thiết kế phương thức bay và vùng trời cụm sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất - Biên Hòa - Phan Thiết" của Tổng công ty để thực hiện các công việc có liên quan theo phân công của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo.
Đây được xác định là nhiệm quan trọng, tiền đề để triển khai thực hiện các kế hoạch, công tác trọng điểm của Chính phủ, có mức độ phức tạp trong việc nghiên cứu và phối hợp thực hiện do cụm các sân bay có vị trí địa lý nằm gần nhau và bị ảnh hưởng hạn chế về không gian bởi các vùng trời hoạt động quân sự.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 109.111,742 tỷ đồng (gần 4,665 tỷ USD). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến 2025.
Dự án có 4 dự án thành phần, gồm:
Dự án thành phần 1: Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế); tổng mức đầu tư 293,26 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2: Các công trình phục vụ quản lý bay do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư 3.435,25 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3: Các công trình thiết yếu trong CHK do ACV làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư 99.019,26 tỷ đồng.
Dự án thành phần 4: Các công trình khác (nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, kho giao nhận hàng hóa, khu xử lý vệ sinh tàu bay,…); tổng mức đầu tư 6.363,67 tỷ đồng.